xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cháy nhà thờ Đức Bà Paris: Nỗi đau khôn nguôi

NGÔ SINH

Những phần bị thiêu hủy của ngôi nhà thờ rồi sẽ được tái thiết nhưng con tim của chúng ta sẽ mãi bị tổn thương

Một điều không thể tưởng tượng đã xảy ra tối 15-4 ở thủ đô nước Pháp: Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy dữ dội. Đây là một trong những tòa nhà cổ kính nhất của kinh đô ánh sáng, bằng chứng mẫu mực cho nền hội họa cũng như kiến trúc và cả niềm tin của nhân loại.

Biểu tượng của niềm tự hào

Trong khi hàng triệu người theo dõi qua màn ảnh truyền hình và trên đường phố Paris, những ngọn tháp kiến trúc Gothic của nhà thờ Đức Bà Paris đã bị ngọn lửa vây hãm trước khi đổ sụp xuống cùng với một phần mái nhà thờ. Trận hỏa hoạn ở nhà thờ Đức Bà Paris được cảm nhận như thể là ngón đòn giáng vào mọi người Pháp.

Những hình ảnh chụp từ thiết bị bay trên không cho thấy ngôi nhà thờ có hình dáng cây thập tự này chìm trong lửa. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia vào khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày (giờ địa phương), hình ảnh đằng sau ông là tòa nhà ngùn ngụt lửa. Ông đã gọi đây là "ngôi nhà thờ của toàn thể nhân dân Pháp, ngay cả những người chưa từng bao giờ đến đây".

Cháy nhà thờ Đức Bà Paris: Nỗi đau khôn nguôi - Ảnh 1.

Cảnh bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris hôm 16-4 sau vụ cháy Ảnh: REUTERS

Phát biểu với người dân cả nước, ông Macron nhận định rằng cư dân Paris đang cảm thấy run sợ trong lòng. Đó là sự miêu tả chính xác cảm giác trống rỗng và mất mát của họ. Ngoài ra còn có nỗi buồn và nỗi thất vọng chung rằng họ đã không thể giữ gìn một tài sản vô giá như thế được trọn vẹn. Theo báo The New York Times, 100 năm nữa, người ta sẽ còn nói về trận hỏa hoạn này. Sau khi ngọn lửa bùng lên một vài giờ, đài truyền hình Pháp đã phát sóng lại những gì liên quan đến nhà thờ Đức Bà Paris, trong đó có cả những trích đoạn từ bộ phim "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" dựa theo tiểu thuyết của đại văn hào Victor Hugo, với mối tình của anh chàng Quasimodo dành cho người đẹp Esmeralda...

Ở tuổi 856, nhà thờ Đức Bà Paris đã chứng kiến phần lớn lịch sử nước Pháp. Đây là nơi Vua Henry VI đăng quang và người anh hùng Napoléon Bonaparte lên ngôi hoàng đế. Cũng tại Vương cung Thánh đường này đã diễn ra lễ phong chân phước cho bà Jeanne d’Arc - một nữ anh hùng của nước Pháp - vào năm 1909; lễ an táng 2 tổng thống Charles de Gaulle (1970) và François Mitterrand (1996).

Nhà thờ Đức Bà Paris đồ sộ, xây dựng theo kiến trúc Gothic, ở ngay giữa lòng thủ đô, từ lâu đã được xem như một điều gì đó kỳ bí và khó hiểu, mới đây đã chứng kiến trận lụt năm 2018 và vụ tấn công khủng bố năm 2015. Trong một ký ức gần, hàng ngàn người đã tụ tập về nhà thờ hồi tháng 11-2015, sau khi bọn khủng bố gây đổ máu ở Paris...

Mất mát lớn lao

Được hoàn thành vào năm 1345, nhà thờ Đức Bà Paris là thành quả của gần 200 năm xây dựng. Kể từ đó, nó tồn tại qua hàng thế kỷ bạo lực cũng như chiến tranh tôn giáo và biến động chính trị. Trải qua những biến thiên thời cuộc đó, ngôi nhà thờ vẫn đứng vững, một nhân chứng thầm lặng trước những giai đoạn thăng trầm của lịch sử thủ đô nước Pháp trong suốt hàng trăm năm. Trong thế giới hiện đại, nhà thờ Đức Bà Paris là cảnh quan ngoạn mục từng chào đón nhiều thế hệ du khách và cư dân địa phương.

Cháy nhà thờ Đức Bà Paris: Nỗi đau khôn nguôi - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu với người dân gần Nhà thờ Đức Bà Paris, nơi ngọn lửa đang bùng lên đêm 15-4 Ảnh: REUTERS

Mặc dù hầu hết người dân Paris không thường xuyên đặt chân đến đây, nhà thờ này còn hơn cả bất cứ địa chỉ du lịch hoặc một công trình lịch sử nào. Nó tọa lạc ở giữa thủ đô nước Pháp, trên bờ dòng sông Seine chia đôi thành phố, có thể đi bộ đến hầu như mọi ngõ ngách nơi đây. Cư dân Paris có thể đã không nhận ra điều đó một cách trọn vẹn cho đến khi thảm họa xảy ra tối 15-4.

Khi ngọn tháp nhà thờ đổ xuống, người ta cảm thấy như nó lao thẳng vào con tim họ. Đối với tất cả những người ở Paris và khắp nước Pháp, dù họ theo tôn giáo nào đi nữa, nhà thờ Đức Bà Paris luôn luôn có ý nghĩa cao hơn là một công trình kiến trúc Gothic lộng lẫy, nguy nga. Đó là trung tâm của nước Pháp, là tâm điểm về lịch sử và địa lý của đất nước. Tất cả mọi con đường đều xuất phát từ đây, cho dù đích đến là bất cứ nơi nào. Mọi người Pháp tụ họp ở đây và chung quanh nơi này vào bất kỳ thời khắc quan trọng nào của quốc gia. Thật khó có thể nghĩ ra một thời điểm trọng yếu nào trong lịch sử của thủ đô lại không có sự liên quan của nhà thờ Đức Bà Paris.

Báo The Guardian đã miêu tả bầu trời Paris đã trở nên xám xịt hệt như bầu trời ở New York vào ngày 11-9-2001. Những phần bị thiêu hủy của ngôi nhà thờ rồi sẽ được tái thiết nhưng con tim của người dân Paris sẽ thổn thức và tổn thương mãi mãi.

Nhìn ngọn lửa nuốt ngôi nhà thờ, ném những cột khói và tro bụi lên trời cao, tận sâu trong tâm khảm người ta không khỏi có cảm giác mất mát. Đó không chỉ là một tòa nhà bị cháy mà đó còn là một phần không thể phục hồi của quá khứ nhân loại mà chúng ta không thể chia sẻ với thế hệ mai sau. 

Không bị "phá hủy hoàn toàn"

Trang CNBC trích dẫn lời một viên chức cứu hỏa Pháp khẳng định nhà thờ Đức Bà Paris đã được cứu, không bị "phá hủy hoàn toàn". Ngọn lửa đã được chế ngự sau 8 giờ hoành hành. "Điều tồi tệ nhất đã tránh được nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn vượt qua..." - Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố.

Trong khi đó, theo báo Boston Globe, nhà chức trách Pháp cho biết "mọi phương tiện" đã được triển khai để khống chế trận hỏa hoạn, trừ sử dụng máy bay để chữa cháy. Phương thức dội nước từ trên không có thể khiến toàn bộ tòa nhà đổ sập.

Kỳ tới: Nạn nhân của sự phá hủy

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo