Trong thông điệp trên mạng xã hội Twitter hôm 22-8, ông Emmanuel Macron viết: "Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy. Rừng mưa Amazon - lá phổi của trái đất sản sinh 20% lượng ôxy toàn cầu - đang bốc cháy. Đây là một cuộc khủng hoảng quốc tế. Các thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh G7 hãy thảo luận về trường hợp khẩn cấp này".
Hôm 23-8, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ đồng tình với ý kiến của nhà lãnh đạo Pháp, đồng thời kêu gọi sự hợp tác quốc tế để bảo vệ các rừng mưa nhiệt đới. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro lên án ông Emmanuel Macron sử dụng thảm họa cháy rừng Amazon để giành được lợi ích chính trị. Ngược lại, tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Pháp cáo buộc ông Jair Bolsonaro không tôn trọng cam kết về biến đổi khí hậu.
Tuần này, Trung tâm Nghiên cứu Không gian Brazil (INPE) ghi nhận số vụ hỏa hoạn ở Brazil đã tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hơn một nửa xảy ra ở Amazon. Nhà khoa học của INPE Alberto Setzer cho biết con người - cả vô tình lẫn cố ý - là nguyên nhân gây ra 99% số vụ hỏa hoạn.
Một mảng rừng rậm Amazon hoang tàn sau vụ đốt rừng ở Porto Velho - Brazil ngày 23-8 Ảnh: Reuters
Theo báo USA Today, Brazil chứa khoảng 60% rừng Amazon. Bất kỳ sự tàn phá nào đối với "lá phổi" này cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với khí hậu, lượng mưa toàn cầu, kinh tế thế giới và chính sách ngoại giao. Ví dụ, thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nam Mỹ - bao gồm Brazil, thường đi kèm với chương trình nghị sự về môi trường. Việc Brazil liên tục không có khả năng ngăn chặn nạn phá rừng khiến tài trợ quốc tế cho hoạt động bảo tồn sụt giảm. Cho đến nay, Na Uy và Đức, hai nhà tài trợ lớn nhất của Quỹ Amazon, đã tạm ngừng hỗ trợ tài chính.
Đáng chú ý, Pháp và Ireland đang đe dọa phản đối Hiệp định Thương mại tự do EU - Mercosur, một thỏa thuận về canh tác đã được đàm phán 20 năm qua giữa EU và Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (Mercosur), gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay, sau tất cả phản ứng của Brazil liên quan đến cháy rừng Amazon. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Brazil cũng lo ngại về khả năng nước này có thể gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, trụ sở ở Pháp).
Trước sức ép quốc tế, ông Bolsonaro đổ lỗi cho "các chủ trang trại, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng bản địa" đứng sau các vụ hỏa hoạn nhưng không đưa ra bằng chứng. Theo Reuters, ông Jair Bolsonaro hôm 23-8 đã triệu tập một cuộc họp nội các để thảo luận về biện pháp giải quyết tình hình. Song song đó, nhà lãnh đạo Brazil tuyên bố ủy quyền cho quân đội đối phó với các vụ cháy rừng cũng như ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho ông Jair Bolsonaro đề nghị giúp chữa cháy rừng nếu cần thiết.
Theo tờ The Conversation, ông Jair Bolsonaro thừa nhận với Reuters rằng Brazil thiếu nguồn lực để chống lại các vụ hỏa hoạn. Nước này đã thông qua luật môi trường để tạo ra một chương trình giúp bảo vệ rừng Amazon. Thêm vào đó, các thỏa thuận toàn cầu tư nhân như Amazon Beef và Soy Moratorium, nơi các công ty đồng ý không mua đậu nành hoặc gia súc liên quan đến nạn phá rừng bất hợp pháp, cũng bị giảm đáng kể. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn nạn phá rừng bên cạnh các công cụ tài chính, ngoại giao và chính trị mà Brazil có thể sử dụng ngay bây giờ.
Bình luận (0)