Tuy nhiên, trong một tuyên bố nhanh, các bộ trưởng đã không tán thành quyết định của Ecuador dành quy chế tị nạn cho Assange, người mà Thụy Điển đang rất cần để trả lời các cáo buộc về những hành vi tấn công tình dục của ông ta.
Các bộ trưởng khối UNASUR đưa ra tuyên bố sau khi họ gặp nhau ở Guayquil - Ecuador theo yêu cầu của nước chủ nhà. Tổng Thư ký UNASUR, ông Ali Rodriguez của Venezuela, cho biết cuộc họp kéo dài 20 phút.
Tuyên bố nêu rõ các bộ trưởng “lên án việc đe dọa sử dụng vũ lực giữa các nước” và lặp lại “quyền của các nước thừa nhận tình trạng tị nạn”. Họ cũng thúc giục các bên liên quan “đi theo con đường đối thoại và đàm phán trực tiếp” để đạt một giải pháp có thể chấp nhận được nhằm khai thông bế tắc.
Ông Julian Assange đã trú ẩn trong tòa đại sứ Ecuador được 2 tháng và Anh từ chối để ông rời khỏi nước này một cách an toàn. Lời đe dọa của Anh xuất hiện trong một văn thư ngoại giao được chuyển đến Ecuador hôm thứ tư tuần trước, một ngày trước khi Quito dành cho Assange quy chế tị nạn.
Nhưng sau đó Anh cho biết nước này không có ý định bố ráp tòa đại sứ, hành động sẽ bị cho là vi phạm Công ước Vienna năm 1961 vốn giữ nguyên tắc các tòa đại sứ ở nước ngoài là bất khả xâm phạm.
Cuộc gặp giữa các thành viên UNASUR diễn ra một ngày sau khi nhóm các chính phủ cánh tả trong khu vực (ALBA) cũng tổ chức một cuộc họp tại Guayquil và ở đó, Cuba, Bolivia, Nicaragua và Argentina đều ủng hộ quyết định của Ecuador cho phép Assange tị nạn. Trong khi Brazil, Mexico, Colombia và Chile nằm trong số những nước không bày tỏ lập trường.
Ông J. Assange đọc diễn văn trên ban công sứ quán Ecuador ngày 19-8. Ảnh: Reuters
Báo Anh The Guardian cho biết lý do Ecuador cấp quy chế tị nạn cho ông Assange là vì cả Anh và Thụy Điển đều không đưa ra lời bảo đảm họ sẽ không cho phép dẫn độ Assange sang Mỹ. Những người có cảm tình với Assange nói họ sợ rằng ông sẽ bị một bồi thẩm đoàn ở Mỹ kết tội bí mật.
Trong khi Tổng thống Ecuador, ông Rafael Correa, thừa nhận có đủ lý do để lo sợ cho cựu hacker quốc tịch Úc, người đã nắm trong tay và tung ra những bí mật lớn nhất của Mỹ vào năm 2010, có thể đối mặt với bản án tù chung thân, thậm chí là tử hình tại Mỹ.
Ông Ricardo Patino, Ngoại trưởng Ecuador, so sánh đất nước của ông với nước Anh: “Nếu chúng ta xem xét những lập luận của hai quốc gia, phần đúng ở về phía chúng ta”. Ông nói Ecuador chưa quyết định có nên kêu gọi sự phán xét của Liên Hiệp Quốc về cuộc tranh cãi giữa hai bên hay không, chỉ cho biết thêm rằng ông sẽ chờ kết quả cuộc gặp của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ vào thứ sáu tới tại Washington.
Các ngoại trưởng thuộc tổ chức này, bao gồm Mỹ và Canada, sẽ thảo luận vấn đề tranh cãi giữa các nước liên quan đến Assange.
Nhà ngoại giao Mỹ về hưu Myles Frechette, một chuyên gia về khu vực, nói rằng ông không hy vọng có bất kỳ tiếng nói chung nào ủng hộ quyết định của Ecuador cho Assange tị nạn.
“Trong khi một số chính phủ trong khu vực sẽ cổ vũ cho hành động của Tổng thống Correa trước sự kiêu ngạo của Mỹ thì một số chính phủ như Chile, Colombia, Brazil và Peru chỉ muốn được xem là những người đối thoại tin cậy trên bình diện quốc tế” - ông Frechette nói.
Bình luận (0)