Nỗi đau còn đọng lại qua những hiện vật chan đầy nước mắt: chiếc xe 3 bánh của cậu bé Shinichi Tetsutani, những đồng tiền xu tan chảy, 1 chiếc áo tơi tả, rách nát…
Bộ Năng lượng Mỹ ước tính khoảng 80.000 dân thường thiệt mạng ngay lập tức sau vụ nổ ở TP Hiroshima và 80.000 người khác ở TP Nagasaki. Tiếp đến, bệnh do phóng xạ, ung thư… đẩy con số tử vong tại 2 địa phương này lên trên 450.000 người.
Trong khi đó, tính đến tháng 3-2014, chính phủ Nhật Bản ghi nhận 192.719 trường hợp sống sót sau thảm họa ở Hiroshima.
Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima thu thập được hàng ngàn câu chuyện cảm động và các bức vẽ mô tả thời khắc chấn động. Đó là hình ảnh một bà mẹ gọi tên con mình trong khi nhìn xuống dòng sông chứa đầy thi thể trẻ em, hình ảnh những người di cư rời khỏi thành phố và bị nhồi nhét trong các toa tàu chật chội.
Tác động của 2 quả bom do Mỹ thả xuống 2 thành phố Nhật Bản sẽ là nỗi ám ảnh cả đời đối với những người còn sống. Các nạn nhân đứng gần quả bom nhất bị đốt cháy thành tro bụi. Lửa lan nhanh ra khắp thành phố, kèm theo cơn mưa mang chất phóng xạ phủ lên cây cối, nhà cửa. Xác chết nằm rải rác trên mọi nẻo đường.
Cụ ông Sanae Ikeda (82 tuổi), ở TP Nagasaki, nhớ lại khoảnh khắc “cột ánh sáng màu xanh lá cây” cướp đi những người thân yêu: “Vụ nổ khiến tôi bị lột hết da tay và chảy máu. Thi thể em gái tôi cháy đen không còn mặt mũi. Tôi chỉ nhận ra cô ấy nhờ một vài bông hoa nhỏ cô ấy mang theo”.
Riêng câu chuyện của cậu bé Shinichi Tetsutani trong cuốn sách “Shin’s Tricycle” (Chiếc xe đạp 3 bánh của Shin) đã trở thành di sản nhắc nhở các thế hệ tương lai về sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.
Lúc bom nổ, Shinichi đang chơi với bạn thân Kimi bên ngoài nhà riêng. Căn nhà đổ sập chôn vùi 2 đứa trẻ. Khi được kéo ra khỏi đống đổ nát, trên tay Shinichi vẫn nắm chặt tay lái màu đỏ của chiếc xe đồ chơi. Cha cậu, ông Nobuo Tetsunani, thậm chí không dám cho con mình uống nước vì tất cả những người uống nước nhiễm phóng xạ đều thiệt mạng. Shinichi đã không sống nổi qua đêm hôm đó.
Dù Tổng thống Truman nhiều lần biện minh 2 quả bom đã “cứu” được rất nhiều sinh mạng nhưng theo ông Peter Kuznick, giáo sư lịch sử kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Trường ĐH Mỹ ở Washington, cho rằng chúng không phải là phương án cần thiết để kết thúc Thế chiến thứ hai.
Hiroshima tưởng niệm 70 năm ngày bị ném bom hạt nhân. Nguồn: Reuters
Bình luận (0)