Quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến cho ý định đầu tư vào công cuộc tái thiết quốc gia này của Trung Quốc rơi vào tình trạng không chắc chắn.
Tái khởi động cuộc chơi
Động thái gây kinh ngạc đó cũng có thể cho thấy Washington tập trung mạnh hơn về chiến lược vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để gây áp lực đối với Bắc Kinh. Giới phân tích nhận định hiện vẫn chưa rõ khi nào cuộc rút quân của lính Mỹ sẽ hoàn tất nhưng điều đó nhiều khả năng sẽ kéo dài tình hình bất ổn ở Syria và đình hoãn công cuộc tái thiết quốc gia này. "Ông Trump đang tái khởi động cuộc chơi và tất cả bên tham gia sẽ có những nước đi riêng của mình. Trung Quốc đang theo dõi sát sao những thay đổi ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ ở đó ra sao" - ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại ĐH Fudan ở Thượng Hải, nhấn mạnh.
Ông John Lee, giáo sư tại Trường ĐH Sydney (Úc) và là chuyên gia cao cấp tại Trường ĐH Hudson ở Washington - Mỹ, nhận định động thái rút quân ra khỏi Syria có thể là dấu hiệu Washington suy tính lại chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương. "Điều đó cho thấy một sự đổi thay trong tư duy chiến lược rằng Trung Đông trở nên ít quan trọng hơn với Mỹ trong khi họ chú ý nhiều hơn đến Ấn Độ - Thái Bình Dương" - ông Lee phân tích.
Theo chuyên gia này, Mỹ đã xem Trung Quốc là mối thách thức chủ yếu và lâu dài của họ. Điều này đã được xác định trong chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng quốc gia của Mỹ cũng như chính Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tuyên bố trong phát biểu của mình.
Thêm vào đó, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã được đổi tên thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương và các kế hoạch nâng cấp trang thiết bị và hệ thống vũ khí cũng như tăng cường tập trận với các đồng minh trong khu vực. Đặc biệt hơn, Mỹ đã tăng cường tuần tra ở biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Trong 2 năm qua, hải quân Mỹ đã thực hiện 8 hoạt động tự do hàng hải gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở biển Đông.
Sự kiện quân Mỹ rút khỏi Syria nhiều khả năng sẽ làm trì hoãn công cuộc tái thiết ở nước này. Ảnh: AP
Áp lực với Trung Quốc
Tuy nhiên, ông Wu cho rằng Mỹ sẽ sử dụng các lực lượng quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương một cách hạn chế. Theo ông, mục đích của Washington chủ yếu là duy trì sự hiện diện và hình ảnh của Mỹ trong khu vực này đối với các đồng minh và để gây áp lực với Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc lâu nay vẫn giữ thái độ cách biệt với cuộc xung đột ở Syria nhưng quan tâm đến việc thúc đẩy sự hiện diện về kinh tế ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này theo sáng kiến Vành đai và Con đường - đó là ý kiến của ông Wang Jian, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ông cho rằng lúc này các công ty và đầu tư Trung Quốc không thể vội vã, đồng thời quả quyết an ninh sẽ là điều quan ngại lớn khi quân Mỹ rút đi.
"Nếu như tình hình an ninh xấu đi, nó sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Những nguy cơ về an ninh cũng có thể lan sang các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - nơi Trung Quốc có những quyền lợi rộng lớn về kinh tế" - ông nhận xét.
Trước khi cuộc chiến nổ ra ở Syria năm 2011, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư và giao dịch thương mại ở nước này. Kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Syria vào năm đó đã đạt 2,4 tỉ USD. Tuy nhiên, hầu như tất cả công ty Trung Quốc đã rút ra khỏi Syria hoặc đình chỉ hoạt động ở đó do chiến tranh. Thế nhưng, nếu như tình hình ở Syria ổn định, các công ty Trung Quốc sẽ quay trở lại và Bắc Kinh rất quan tâm đến chuyện tái thiết. Giới phân tích cho rằng kế hoạch Vành đai và Con đường nhấn mạnh cả 2 khía cạnh thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng. Cả 2 vấn đề này sẽ hết sức cần thiết khi công cuộc tái thiết bắt đầu. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột kéo dài 7 năm đã gây thiệt hại gần 400 tỉ USD ở Syria.
Về vấn đề này, các chuyên gia dự đoán các doanh nghiệp Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được hoan nghênh ở Syria thời hậu chiến trong khi họ đã có mặt ở Iraq. Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã gần đây, Bộ trưởng Đầu tư Syria Wafiqa Hosni xác nhận chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad xem Trung Quốc là "quốc gia thân thiện" khi nước này cũng có lập trường tương tự như Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên quan đến các vấn đề Syria.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thực hiện những bước đi để sớm có được vị trí chắc chắn tại thị trường Syria. Năm 2017, Trung Quốc đã tổ chức Hội chợ dự án tái thiết Syria đầu tiên ở Bắc Kinh, đưa ra kế hoạch trị giá 2 tỉ USD để xây dựng một khu công nghiệp tại Syria có thể đón tiếp 150 công ty đến hoạt động. Ngoài ra, hồi tháng 9 năm nay, Trung Quốc đã cử phái đoàn gồm 200 công ty đến tham dự Hội chợ quốc tế Damascus lần thứ 60, hầu hết là các xí nghiệp quốc doanh đang trông mong thiết lập mối quan hệ làm ăn ở Syria cũng như xây dựng mối quan hệ hợp tác trong tiến trình tái thiết nước này.
Diễn biến mới trên "bàn cờ" Syria
Hàng chục binh sĩ Mỹ đã rời căn cứ ở phía Đông Bắc Syria di chuyển đến nước láng giềng Iraq, động thái mới nhất sau tuyên bố rút quân của Tổng thống Donald Trump.
Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 29-12 cho biết khoảng 50 binh sĩ Mỹ đã lên xe bọc thép và xe tải quân sự rời đi để lại một nhà kho rộng 400 m2 ở tỉnh Al-Hasakah - Syria, nơi trước đây được dùng để cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho lực lượng Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump hôm 19-12 thông báo quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria khi cho rằng Washington đã thành công trong sứ mệnh đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở đó. Ước tính có khoảng 2.000 binh lính Mỹ đồn trú khắp các khu vực Đông Bắc Syria do người Kurd kiểm soát. Quá trình rút quân của Mỹ dự kiến mất từ 2-3 tháng.
Quyết định rút quân của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa lực lượng người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đài CNN, động thái của ông Trump đã thúc đẩy lực lượng người Kurd kêu gọi chính phủ Syria bảo vệ TP Manbij khỏi nguy cơ tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Syria đã đồng ý yêu cầu của người Kurd và điều binh sĩ tới Manbij lần đầu tiên sau nhiều năm hôm 28-12. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ dự định mở một cuộc tấn công lớn ở Syria với hàng chục xe tăng đang chờ sẵn ở biên giới phía Nam nước này.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, hôm 29-12 nói với báo giới trong một cuộc họp báo qua điện thoại rằng lực lượng chính phủ Syria đã kiểm soát khu vực chiến lược gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ - từng nằm trong tay lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn, trước khi Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định rút quân khỏi Syria 10 ngày trước.
Cùng ngày, các bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cho biết hai bên nhất trí phối hợp các hoạt động trên bộ ở Syria sau khi Mỹ tuyên bố rút quân. Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ở thủ đô Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết: "Chúng tôi đặc biệt chú ý đến các diễn biến mới liên quan tới tuyên bố rút quân của Mỹ. Các đại diện quân sự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất cách thức tiếp tục phối hợp trên bộ trong điều kiện mới với mục tiêu cuối cùng là nhổ tận gốc mối đe dọa khủng bố tại Syria".
Theo kênh Al Jazeera (Qatar), ông Cavusoglu cũng xác nhận hai nước sẽ phối hợp trong các hoạt động tại Syria, đồng thời thảo luận về kế hoạch hỗ trợ những người tị nạn hồi hương. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với Nga cũng như Iran nhằm đẩy nhanh quá trình ổn định chính trị ở Syria. Một ngày trước đó, Nga cho biết sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về cuộc xung đột tại Syria vào đầu năm tới.
Xuân Mai
Bình luận (0)