Theo tờ South China Morning Post, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari nằm trong số những người đã cảnh báo rằng chiến thắng của Taliban có thể lôi kéo các nhóm khủng bố ở châu Phi, từ Boko Haram ở Tây Phi đến al-Shabab ở Somalia, nhóm nổi dậy ở Mozambique.
Ở Nigeria, Boko Haram cướp đi sinh mạng của hơn 36.000 người và khiến hơn 3 triệu người phải di tản trong 10 năm qua, khi nhóm này tìm cách thành lập một nhà nước Hồi giáo được cai trị theo luật Hồi giáo Sharia. Nhóm này, một nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thường xuyên bắt cóc dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Tổng thống Buhari nhận xét trên tờ Financial Times: "Châu Phi là tiền tuyến mới của quân đội toàn cầu". Mozambique là quốc gia châu Phi mới nhất có thể gặp nguy do khủng bố.
Các chiến binh Al-Shabab diễu hành với vũ khí ở ngoại ô Mogadishu, Somalia. Ảnh: AP
Ông Samuel Ramani, giảng viên về chính trị và quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Oxford – Anh, cho biết al-Shabab đã ca ngợi chiến thắng của Taliban ở Afghanistan "và điều này đã làm dấy lên lo ngại ở Somalia rằng Taliban có thể hợp tác với al-Shabab". Nigeria cũng có lo ngại tương tự về liên minh Taliban - Boko Haram.
Theo chuyên gia Joseph Siegle thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Phi, Al-Shabab rất có thể giành quyền kiểm soát Somalia nếu phái bộ của Liên minh châu Phi tại Somalia và các lực lượng quốc tế rời đi. Cùng quan điểm, chuyên gia Mohammed Soliman từ Viện Trung Đông nhận định: "Sự thành công và tốc độ tấn công của Taliban sẽ khuyến khích các nhóm cực đoan trên toàn thế giới, từ Boko Haram đến al-Shabab và từ IS đến al-Qaeda".
Bất chấp các mối đe dọa ngày càng tăng ở châu Phi, năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh rút quân đội Mỹ khỏi Somalia, nơi hứng chịu các cuộc tấn công từ al-Shabab, một nhánh của al-Qaeda.
Những mối nguy hiểm này tác động không nhỏ đối với Trung Quốc, quốc gia có nhiều lợi ích và đầu tư ở châu Phi - từ khai thác khoáng sản đến các dự án cơ sở hạ tầng - và đang mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế.
Gần đây, các tay súng Hồi giáo có vũ trang tấn công khu vực Cabo Delgado giàu khí đốt của Mozambique, nơi có dự án khí đốt của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Tình trạng mất an ninh ngày càng gia tăng ở châu Phi cũng có thể buộc Bắc Kinh phải tăng cường giữ vai trò an ninh. Ảnh: SCMP
Sự bất ổn cũng có thể ảnh hưởng đến các nước láng giềng như Tanzania, Nam Phi, Zimbabwe và Zambia, nơi Trung Quốc tham gia vào một số dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Tình trạng mất an ninh ngày càng gia tăng ở châu Phi có thể buộc Bắc Kinh phải tăng cường vai trò giữ an ninh trong khu vực này. Chuyên gia Ramani nói: "Các cuộc tập trận của Trung Quốc với Ả Rập Saudi trên biển Đỏ và các nỗ lực hàn gắn căng thẳng biên giới Eritrea và Djibouti cho thấy họ không thờ ơ với việc này".
Ông Ramani cho biết Trung Quốc đang chú ý nhiều hơn đến vùng Sừng châu Phi và biển Đỏ, vì họ coi đây là cửa ngõ vào Ấn Độ Dương.
Trung Quốc mở nhiều công ty an ninh tư nhân của trên khắp châu Phi và cũng có thể mở rộng đến vùng Sừng châu Phi. Ngoài ra, sự tham gia của Trung Quốc vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Sahel tạo cơ sở cho việc can dự sâu hơn.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh không muốn "lĩnh xướng" trong sứ mệnh kiềm chế các nhóm khủng bố và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ cảnh giác với việc mở rộng vai trò quân sự.
Bình luận (0)