Đài CNBC mới đây đưa tin xác hàng trăm chim cánh cụt nhỏ được phát hiện ở phía Bắc của New Zealand kể từ đầu tháng 5. Theo giới chuyên gia, nguyên nhân có thể là biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của chúng.
Theo Cố vấn khoa học Graeme Taylor của Cục Bảo tồn New Zealand, rất khó để xác định chính xác số liệu và cơ quan này vẫn đang nhận được tin báo về những vụ việc như trên.
Những con chim cánh cụt này, được gọi là korora, nhiều khả năng chết vì đói bởi các cuộc xét nghiệm không phát hiện dịch bệnh hay độc tố trong cơ thể chúng.
"Trọng lượng của chúng chỉ còn khoảng 50% so với thông thường. Chúng không còn mỡ trong khi mô cơ đã hao mòn" – ông Taylor cho biết.
Xác chim cánh cụt nhỏ - loài cánh cụt nhỏ nhất thế giới sống ở New Zealand – thời gian qua thường xuyên trôi dạt vào bờ biển nước này. Ảnh: New Zealand Herald
Hiện tượng chim biển chết hàng loạt vì thời tiết khắc nghiệt vốn không bất thường, giới chuyên gia khẳng định. Dù vậy, trong 6 năm trở lại đây, 3 đợt chim cánh cụt nhỏ chết hàng loạt đã được ghi nhận – một tần suất cao hơn nhiều so với khoảng 1 đợt trong 10 năm như thông thường, ông Taylor nói thêm.
Các chuyên gia ở New Zealand, nơi chim cánh cụt nhỏ bị đưa vào danh sách "đang gặp nguy hiểm", trước đó dự đoán chúng sẽ chết hàng loạt vào mùa hè này do La Niña, một kiểu khí hậu gây ảnh hưởng thời tiết trên khắp thế giới và thường xảy ra mỗi 3-5 năm.
Khi nhiệt độ đại dương ấm lên, những con cá nhỏ mà chim cánh cụt ăn để sinh tồn sẽ tìm kiếm vùng nước mát hơn ở những nơi khác hoặc bơi xuống những vùng nước sâu hơn, nơi chim cánh cụt không thể lặn xuống.
Bãi biển Ninety Mile trên đảo North Island của New Zealand, nơi chứng kiến đợt chết hàng loạt gần đây nhất của chim cánh cụt nhỏ. Ảnh: DPK
Bình luận (0)