Tỉ lệ sinh ngày càng sụt giảm ở Hàn Quốc khiến chính phủ nước này không thể ngồi yên chờ “trái tim tự tìm ra lối” nữa mà trực tiếp tổ chức các buổi hẹn hò tập thể.
Tìm bạn đời chốn đông người
Tại một sự kiện hẹn hò như thế mới đây, anh lính cứu hỏa 32 tuổi Park Chang-won không giấu được lo lắng. Giới thiệu tên tuổi xong, anh gần như tắc tị trước mặt đối phương. Anh tâm sự: “Ngay từ đầu, tôi đã cảm thấy lúng túng”.
Lý do là từ nhỏ, Park Chang-won học tại trường dành riêng cho nam sinh, khi nhập ngũ rồi đi làm thì đồng nghiệp cũng đều là nam giới. Chính vì thế, tiếp xúc phụ nữ là chuyện khó khăn đối với anh.
Vào những năm 1980, người trẻ ở Hàn Quốc thường tìm kiếm bạn đời thông qua mai mối và sự sắp đặt của gia đình. Do thực trạng công nghiệp hóa, người dân di chuyển đến các khu đô thị để sinh sống nên truyền thống mai mối phai nhạt dần tại xứ sở kim chi.
Chứng kiến tình trạng giới trẻ ngày càng “lười” kết hôn, Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách khôi phục loại hình mai mối nhưng có những điều chỉnh để phù hợp với lối sống hiện nay. Kể từ năm 2010, Bộ Y tế và Phúc lợi bắt đầu tổ chức các buổi hẹn hò tập thể. Dưới thời Bộ trưởng Cheon Jae-hee, đã có 4 sự kiện hẹn hò dành cho người lao động tại các doanh nghiệp địa phương. Bà Cheon cũng đứng ra làm chủ hôn cho cặp đôi đầu tiên nên duyên chồng vợ nhờ những buổi hẹn hò này.
Kể từ đó, loại hình hẹn hò này nở rộ với sự tài trợ của nhiều bộ và chính quyền địa phương. Chính phủ Hàn Quốc thậm chí còn treo giải thưởng cho cơ quan nào khuyến khích được nhiều người dân kết hôn và sinh con.
Người Hàn Quốc chưa quen
Tuy nhiên, không ít người cảm thấy thiếu thoải mái khi tìm kiếm bạn đời giữa chốn đông đúc như thế. Họ tiếp tục trông chờ vào các công ty mai mối để gặp được người như ý. Yang Sung-mo, một thanh niên 29 tuổi, thổ lộ: “Tôi thường hẹn hò với các cô gái do bạn bè giới thiệu. Lần này, tôi quyết định tham dự bữa tiệc hẹn hò để thử vận may. Tuy nhiên, thật sự tôi không chắc có hiệu quả nếu không chủ động giới thiệu về bản thân”.
Hahm In-hee, giáo sư xã hội học tại Đại học Nữ giới Ewha, cho báo The New York Times biết xã hội chưa sẵn sàng tiếp nhận sự thay đổi mà Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy. “Việc tiếp cận hoặc giao lưu với người lạ không phải là thói quen của người Hàn Quốc. Rất khó để làm quen nếu chúng ta không biết cha mẹ đối phương là ai và họ từ đâu đến” - GS Hahm nhìn nhận.
Điển hình là anh lính cứu hỏa họ Park. Sau thất bại tại sự kiện hẹn hò do chính phủ tổ chức, anh buồn bã nói: “Tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục tìm kiếm bạn đời thông qua sự giới thiệu của người quen nhưng cầu nguyện là điều duy nhất tôi có thể làm vào lúc này”.
Nhiều chuyên gia nhận định những khó khăn trong việc tìm người phù hợp đã gia tăng xu hướng kết hôn muộn ở Hàn Quốc. Phụ nữ trẻ ngày nay thường có công việc tốt hơn các thế hệ đi trước nên càng không muốn từ bỏ mọi thứ để chăm lo chồng con.
Theo thống kê, tuổi kết hôn lần đầu bình quân của phụ nữ Hàn Quốc là 29,14 vào năm 2011, tăng nhiều so với 24,8 tuổi vào năm 1990. Với nam giới, con số này là 31,8 tuổi vào năm 2011 so với 27,9 tuổi của 11 năm trước đó. Tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc cũng giảm xuống còn 1,15 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong số các quốc gia phát triển trên thế giới.
Bình luận (0)