Kết cục này chủ yếu do vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ (và một số thành viên Cộng hòa). Dân chủ đang chiếm 49 ghế ở Thượng viện trong khi cuộc bỏ phiếu cần 60 phiếu thuận.
Như vậy, chính phủ Mỹ bắt đầu đóng cửa sau nửa đêm ngày 19-1 (giờ địa phương).
Chiếc đồng hồ Ohio bên ngoài phòng họp Thượng viện ở Đồi Capitol đánh dấu thời điểm nửa đêm ngày 19-1 (giờ địa phương). Chính phủ Mỹ bắt đầu đóng cửa từ lúc này. Ảnh: Reuters
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã mời lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer đến Nhà Trắng để bàn bạc dự luật phân bổ ngân sách ngắn hạn nhằm duy trì hoạt động của chính phủ đến hết ngày 16-2.
Tổng thống Trump đã mô tả cuộc gặp với ông Schumer là "xuất sắc" và những nỗ lực vẫn đang được tiếp tục. "Đang tiến triển – 4 tuần gia hạn sẽ là điều tốt đẹp nhất" – ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter.
Sau dòng chia sẻ của Tổng thống Trump, Giám đốc ngân quỹ Nhà Trắng Mick Mulvaney khẳng định với đài CNN rằng ông mong đợi một thỏa thuận sẽ đạt được trong 24 giờ tới. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ bị đóng cửa vào nửa đêm 19-1 (giờ địa phương) nhưng sẽ mở cửa lại vào cuối tuần.
Giám đốc ngân quỹ Nhà Trắng Mick Mulvaney. Ảnh: Reuters
Về phần mình, ông Schumer cho biết cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng diễn ra trong khoảng 90 phút và vấn đề theo đuổi dự luật phân bổ ngắn hạn để duy trì chính phủ hoạt động vẫn chưa được thống nhất.
Phe Dân chủ yêu cầu dự luật phân bổ ngân sách ngắn hạn này phải bảo vệ chương trình DACA (tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ) nhưng phe Cộng hòa đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đồng ý.
"Chúng tôi đã bàn bạc với nhau về mọi vấn đề quan trọng. Cuộc gặp gỡ đạt được một số tiến triển nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được thống nhất. Đàm phán sẽ tiếp tục" – ông Schumer chia sẻ sau cuộc họp tại Nhà Trắng.
Lãnh đạo Thượng viện Dân chủ Chuck Schumer. Ảnh: Reuters
Trước đó, vào ngày 18-1, dự luật nói trên đã được Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua nhưng đã bị chặn tại Thượng viện bởi mâu thuẫn liên quan đến vấn đề nhập cư.
Nếu chính phủ bị đóng cửa, hàng trăm ngàn nhân viên liên bang "không quan trọng" sẽ bị cho nghỉ việc tạm thời mà không được trả lương. Những nhân viên "quan trọng" phụ trách an toàn công cộng và an ninh quốc gia vẫn sẽ tiếp tục làm việc. Kể từ năm 1995, chính phủ Mỹ bị từng đóng cửa 3 lần.
Nếu chính phủ phải đóng cửa trong năm nay, nó sẽ rơi vào dịp kỷ niệm 1 năm ngày Tổng thống Trump nhậm chức và ông chủ Nhà Trắng đã lên kế hoạch ăn mừng dịp này ở khu nghỉ dưỡng cao cấp Mar-a-Lago của mình tại bang Florida ngày 20-1.
Bình luận (0)