Theo nhóm Siam Prachapiwat, Hiến pháp Thái Lan quy định trong khoảng 30 ngày kể từ ngày bầu cử phải thành lập quốc hội và chính phủ mới để thay thế chính phủ tạm quyền và ngày 4-3 chính là hạn chót. Tuy nhiên, chính phủ mới vẫn chưa thể được thành lập bởi cuộc bầu cử ngày 2-2 đến nay vẫn chưa có kết quả.
Hơn nữa, Siam Prachapiwat cho rằng chính phủ tạm quyền đã thất bại trong vai trò điều hành đất nước và không thể giải quyết nợ nần cho nông dân tham gia chương trình trợ giá lúa gạo. Siam Prachapiwat tố cáo những hành động của chính phủ đã vi hiến.
Ông Banjerd Singkaneti, Trưởng khoa Luật tại Viện Quốc gia về Quản lý Phát triển Thái Lan, khẳng định chính phủ lâm thời không thể tiếp tục ở lại vị trí cầm quyền vô thời hạn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục tạm quyền Chaturon Chaisaeng nhấn mạnh quy định thời hạn 30 ngày kể từ ngày bầu cử phải thành lập quốc hội là trong tình hình bình thường. Theo ông, cuộc bầu cử hôm 2-2 đã bị phá hoại bởi những người chống chính phủ và hiến pháp cho phép tổ chức bầu cử lại trong vòng 180 kể từ cuộc bỏ phiếu trước đó.
Ông Chaturon cho rằng một chính phủ không do dân cử chỉ có thể thành lập khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết truất phế chính phủ tạm quyền hoặc quân đội tiến hành đảo chính.
Ông cũng nói thêm nếu Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) buộc tội Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra về chương trình trợ giá lúa gạo thì bà phải rời bỏ vị trí của mình. Tuy nhiên, các bộ trưởng khác vẫn tiếp tục làm việc thay mặt cho bà Yingluck.
Cùng ngày, một luật sư cho biết Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có thể phải đối mặt với cáo buộc giết người sau khi gia đình của 2 người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát nộp đơn kiện lên Tòa án Hình sự. 2 nạn nhân trên nằm trong số 6 người thiệt mạng hôm 18-2 tại cầu Phan Fah, Bangkok.
Bình luận (0)