"Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt vào ngày nhậm chức (tổng thống Mỹ 20-1) dường như là một nỗ lực nhằm gây chia rẽ đảng phái. Lưỡng đảng Mỹ cần chỉ trích động thái vô tác dụng và gây hoài nghi này. Tổng thống Biden mong muốn được hợp tác với các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng để đưa Mỹ vượt qua Trung Quốc" – người phát ngôn NSC Emily Horne nói trong một tuyên bố với Reuters.
Trước đó, Trung Quốc công bố lệnh trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Mike Pompeo và 27 quan chức hàng đầu khác dưới thời ông Trump. Bắc Kinh cũng cáo buộc ông Pompeo "dối trá và gian lận".
Bà Emily Horne. Ảnh: Twitter
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Pompeo và những người khác đã "lên kế hoạch, xúc tiến và thực hiện hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nước này". Các cựu quan chức Mỹ và thành viên gia đình họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, đồng thời các công ty liên kết với họ bị hạn chế kinh doanh tại đại lục.
Trong những tuần cuối cùng ở văn phòng, ông Pompeo tung ra một loạt biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc. Hôm 19-1, ông cáo buộc Trung Quốc tiến hành "tội ác diệt chủng và chống lại loài người" đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Người được ông Biden đề cử làm ngoại trưởng, ông Antony Blinken, cũng đồng ý với tuyên bố của ông Pompeo. "Không còn nghi ngờ gì nữa khi nói Trung Quốc đặt ra thách thức nghiêm trọng nhất đối với Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào. Lưỡng đảng Mỹ cần xây dựng chính sách vững chắc để chống lại Bắc Kinh" – ông Blinken kêu gọi.
Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc lạm dụng ở khu vực Tân Cương. Tuy nhiên, một hội đồng của Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các "trại cải tạo".
Bình luận (0)