Với chiến thắng trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 29-9, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio gần như chắc chắn sẽ trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Suga Yoshihide trong phiên họp Quốc hội vào ngày 4-10 nhờ thế đa số của LDP tại Hạ viện.
Theo Reuters, ông Kishida dự kiến thành lập nội các mới và cải tổ ban lãnh đạo LDP vào đầu tháng 10.
Phát biểu sau thắng lợi nêu trên, ông Kishida cam kết giúp LDP giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 28-11, tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như nỗ lực khôi phục kinh tế.
Trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử đang đến gần, LDP kỳ vọng tân lãnh đạo Kishida có thể củng cố niềm tin của cử tri cả nước đối với đảng này sau 1 năm cầm quyền của Thủ tướng Suga - người tuyên bố từ chức giữa lúc tỉ lệ ủng hộ rơi xuống mức thấp kỷ lục vì cách giải quyết khủng hoảng Covid-19, trong đó có quyết định tổ chức Thế vận hội Tokyo bất chấp sự phản đối của công chúng.
Tân lãnh đạo LDP Kishida Fumio (phải) và người tiền nhiệm Suga Yoshihide ăn mừng kết quả bỏ phiếu ngày 29-9 ở Tokyo, Nhật Bản Ảnh: REUTERS
Tỉ lệ ủng hộ thấp của Thủ tướng Suga còn xuất phát từ việc duy trì tầm ảnh hưởng của người tiền nhiệm Abe Shinzo, chuyên gia Yu Uchiyama của Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản) khẳng định, đồng thời nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu hôm 29-9 là một phép thử để xem liệu LDP đã sẵn sàng thoát khỏi cái bóng của ông Abe hay chưa.
Theo ông Yu, một trong những vấn đề được quan tâm lúc này là liệu thủ tướng mới có sẵn lòng lắng nghe và cân nhắc tiếng nói của người dân trong các vấn đề chính trị hay không và nếu có, ông sẽ làm điều đó như thế nào.
Cũng theo ông Yu, chiến thắng của cựu Bộ trưởng Kishida sẽ không tạo ra một sự dịch chuyển lớn trong các chính sách của Nhật Bản, đặc biệt là khi quốc gia này đang tìm cách đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc và hồi sinh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Ở mặt trận đối ngoại, theo báo Nikkei Asia, ông Kishida nhiều khả năng tiếp tục chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của cựu Thủ tướng Abe. Ông đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về nhu cầu cải thiện năng lực quốc phòng cũng như quan hệ an ninh với Mỹ và những đối tác khác (trong đó có "Bộ tứ" gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ), song song với nỗ lực duy trì các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Ông Kishida lưu ý rằng Nhật Bản cần hợp tác với những quốc gia có chung chí hướng như Mỹ để đối phó với những quốc gia ngày càng hung hăng như Trung Quốc. Ông Kishida còn lên kế hoạch củng cố năng lực cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ Tokyo - Bắc Kinh căng thẳng vì những vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku (hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư).
Về chính sách kinh tế, ông Kishida lên kế hoạch tập trung nỗ lực cắt giảm chênh lệch thu nhập, mở rộng hỗ trợ chi tiêu hộ gia đình cho giáo dục và nhà ở - hướng tiếp cận trái ngược với trọng tâm chương trình kinh tế đặc biệt "Abenomics" của cựu Thủ tướng Abe, vốn thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp với hy vọng lợi ích sẽ chảy xuống cho những người làm công ăn lương. Ông Kishida đã đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá gần 270 tỉ USD, nói thêm rằng Nhật Bản nhiều khả năng không tăng thuế tiêu thụ trong khoảng 1 thập kỷ.
Bình luận (0)