Quyết định trên được Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino tuyên bố. Ông Patino nói: “Chúng tôi nhận thấy ông Assange sẽ không được xét xử công bằng ở Mỹ do có động cơ chính trị. Ông ấy cũng không có được sự bảo vệ tương xứng từ phía chính quyền Úc quê nhà”.
Ngoại trưởng Ecuador đồng thời bày tỏ hy vọng Anh sẽ tôn trọng các quyền quốc tế, bao gồm quyền trao quy chế tị nạn mà Ecuador vừa thực thi.
Cảnh sát triển khai lực lượng bên ngoài đại sứ quán Ecuador tại London từ đêm 15-8. Ảnh: Russia Today
Người biểu tình đụng độ cảnh sát. Ảnh: Russia Today
Từ đêm 15-8, cảnh sát Anh và những người ủng hộ WikiLeaks song song triển khai lực lượng bên ngoài đại sứ quán Ecuador. Cảnh sát London phong tỏa con đường phía trước đại sứ quán Ecuador nhưng bị hàng trăm người biểu tình cản trở. Hỗ trợ cho WikiLeaks còn có nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous. Theo tường thuật của đài truyền hình Russia Today (Nga), có 3 người biểu tình bị bắt do đụng độ cảnh sát.
Nhiều cơ quan truyền thông lớn như The Guardian (Anh), Russia Today (Nga)... trực tuyến vụ việc nhiều giờ liền. Nhưng thật ra, giới phân tích phần nào đoán được kết quả này thông qua phản ứng quyết liệt của chính phủ Ecuador trước “đe dọa” đột kích đại sứ quán Ecuador tại London của Anh trước đó.
Trong buổi họp báo ngày 15-8 tại thủ đô Quito, Ngoại trưởng Patino công bố “lá thư đe dọa” do một quan chức của đại sứ quán Anh ở Ecuador gửi đến với nội dung: “Theo luật pháp Anh, chúng tôi được phép hành động để bắt giữ ông Assange”.
Khi ấy, chính phủ Ecuador giận dữ: “Nếu chính phủ Anh xông vào đại sứ quán Ecuador, đó là hành động thù địch không thể chấp nhận và là động thái xâm phạm chủ quyền của chúng tôi. Điều này buộc chúng tôi phải đáp trả thích đáng theo luật pháp quốc tế”.
Giới truyền thông túc trực. Ảnh: AP
Có 3 người biểu tình bị bắt. Ảnh: London Evening Standard
Nước cờ kịch tích trên được xem là đòn phủ đầu nhằm ngăn Ecuador không cho Assange tị nạn. Nhưng giới phân tích không cho rằng Anh sẽ hiện thực hóa lời đe dọa bởi đây là quốc gia “có bề dày truyền thống về tôn trọng các nguyên tắc ngoại giao”, theo Giáo sư Julio Echeverria, Đại học Flasco tại Quito.
Tuy vậy, đường thoát cho ông chủ WikiLeaks vẫn không sáng sủa. Một mặt Bộ Ngoại giao Anh bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Ecuador nhưng mặt khác vẫn tuyên bố cương quyết theo đuổi "nghĩa vụ pháp lý là dẫn độ ông Assange đến Thụy Điển".
Nhiều nguồn tin dồn đoán ông Assange sẽ ra sân bay để đến Ecuador bằng ô tô ngoại giao, thậm chí có thể sẽ được bổ nhiệm làm nhân viên ngoại giao Ecuador để có thể di chuyển an toàn. Tuy nhiên, ông Assange vẫn có thể bị cảnh sát Anh bắt giữ tại sân bay.
Bình luận (0)