Trước đó, đã có nhiều cáo buộc về nạn bạo lực, tống tiền và lao động cưỡng bức đối với người di cư bị đưa đến Libya - một điểm khởi hành cho những ai mơ đến châu Âu bằng tàu thuyền. Những người đến từ châu Phi Hạ Sahara có nguy cơ rơi vào thảm cảnh này nhất, một phần vì họ không có tiền và giấy tờ cần thiết.
Một người di cư 34 tuổi đến từ Senegal được giải cứu kể ông bị bọn buôn người đưa qua Niger để tới TP Sabha - Libya trên một chiếc xe buýt đầy khách, nơi ông dự kiến lên thuyền sang châu Âu sau khi trả một khoản tiền. Tuy nhiên, tài xế xe buýt đột ngột nói người môi giới không trả tiền và đem hành khách trên xe đi bán.
Sau khi bị bán tại chợ nô lệ, người đàn ông 34 tuổi bị đưa đến một nhà tù và làm việc không lương ở đó. Những người cầm giữ yêu cầu gia đình ông trả khoản tiền chuộc gần 500 USD. Sau đó, ông bị bán cho một nhà tù lớn hơn. Với khả năng nói lưu loát tiếng Anh, Pháp và một số ngôn ngữ địa phương, ông làm phiên dịch cho các cai ngục để “câu giờ” trong lúc gia đình gom góp tiền.
Bà Livia Manante, một nhân viên IOM đóng tại Niger, cho biết những người di cư bị đưa đến một quảng trường, nơi diễn ra hoạt động mua bán nô lệ. Mức giá bán dao động từ 200-500 USD/người. Trong trường hợp bị giam cầm quá lâu mà không trả được tiền chuộc, những người này sẽ bị bán hoặc giết chết. Một số khác thường chết vì đói và bệnh tật. Tuy nhiên, tổng số “nô lệ” không bao giờ giảm. “Nếu số người di cư giảm vì chết hoặc ai đó được chuộc, những kẻ bắt cóc chỉ cần ra chợ nô lệ và mua một người khác” - bà Manente cho biết.
Văn phòng của ông Giuseppe Loprete, người đứng đầu cơ quan IOM tại Niger, đã giúp hồi hương 1.500 người di cư trong 3 tháng đầu năm 2017, gần bằng cả năm 2015. Ông Loprete lo ngại con số này sẽ còn gia tăng. “Những người di cư đến Libya với hy vọng tiếp tục hành trình sang châu Âu mà không hề biết sự đau khổ đang chờ họ phía trước. Ở đó (Libya), họ trở thành hàng hóa bị mua bán và vứt đi khi không còn giá trị nữa” - ông Leonard Doyle, người phát ngôn của IOM tại TP Geneva - Thụy Sĩ, cảnh báo.
Hầu hết người di cư hiểu rằng những chuyến vượt biển đến châu Âu ẩn chứa nhiều rủi ro. Vấn đề là không nhiều người biết họ có thể đối mặt những mối đe dọa nghiêm trọng hơn ở Libya trước khi đến được châu Âu. Vì thế, theo báo The Guardian (Anh), IOM đang nỗ lực tuyên truyền cho người dân khắp Tây Phi về thực trạng kinh hoàng nêu trên bằng chính những người sống sót trở về.
Bình luận (0)