Trong bước đi trả đũa mới nhất, Ankara hôm 13-3 thông báo một loạt biện pháp trừng phạt Amsterdam, như ngưng đối thoại chính trị cấp cao, cấm đại sứ Hà Lan quay lại Thổ Nhĩ Kỳ và đóng cửa không phận với các nhà ngoại giao Hà Lan. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nói cứng rằng các biện pháp trừng phạt trên sẽ được duy trì cho đến khi Hà Lan đáp ứng yêu cầu của họ, như xin lỗi và trừng phạt những ai ngược đãi người Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc chiến ngoại giao bùng phát sau khi Hà Lan “cấm cửa” 2 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các sự kiện vận động trên lãnh thổ mình. Ankara đang cử quan chức đi vận động cử tri sống ở nước ngoài bỏ phiếu ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra ngày 16-4 tới. Một kết quả có lợi sẽ gia tăng đáng kể quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Đài BBC thậm chí so sánh ông Erdogan khi đó còn có nhiều quyền hơn những gì tổng thống Mỹ hoặc Pháp đang tận hưởng. Vì thế, có thể hiểu được phản ứng bực dọc của nhà lãnh đạo này khi thấy tham vọng quyền lực bị cản đường.
Cũng theo ông Erdogan, 2 bộ trưởng nói trên - Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu và Bộ trưởng Các vấn đề gia đình Fatma Betul Sayan Kaya - sẽ yêu cầu Tòa án Nhân quyền châu Âu phán quyết về chuyện mình bị Hà Lan đối xử tệ. Theo đài BBC, điều 11 của Công ước châu Âu về nhân quyền bảo vệ quyền tự do hội họp và mọi thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải tôn trọng. Dù vậy, điều này cũng cho phép nhà chức trách áp đặt hạn chế nếu tin rằng một cuộc tuần hành đe dọa an ninh quốc gia hoặc an toàn công cộng.
Đó là lý do Hà Lan đưa ra để biện hộ cho quyết định trên bởi quốc gia này không muốn tình hình trong nước thêm nóng trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 15-3. Đảng Tự do (PVV) của nghị sĩ chống đạo Hồi Geert Wilders được dự báo có kết quả khả quan. Trong cuộc chiến trên, Hà Lan nhận được sự hậu thuẫn của các quan chức EU, Pháp và Đức, quốc gia cũng bị các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói nặng vì tranh cãi tương tự.
Bằng cách cáo buộc châu Âu đối xử như “quốc gia hạng hai” và phân biệt chủng tộc, Thổ Nhĩ Kỳ như muốn trút nỗi thất vọng lâu nay đối với EU. Quá trình thương thảo về vấn đề Ankara gia nhập EU bắt đầu từ năm 2005 nhưng gần như giậm chân tại chỗ. Ngoài ra, ông Erdogan còn thất vọng khi các nước EU không đứng sau mình kể từ khi xảy ra vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016. Chưa hết, ông cáo buộc EU “thất hứa” khi hai bên đạt thỏa thuận về việc ngăn chặn dòng người di cư trái phép đến châu Âu tháng 3-2016. Trong bối cảnh hai bên đang “cơm không lành, canh không ngọt”, ông Omer Celik, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nên xem xét lại thỏa thuận.
Dĩ nhiên, Ankara cũng không lợi lộc gì nếu làm căng mọi chuyện. Giới chức EU hôm 13-3 cảnh báo việc chỉnh sửa hiến pháp nhằm tăng thêm quyền cho ông Erdogan có thể làm tổn hại đến nỗ lực gia nhập liên minh này. Họ cũng thúc giục Ankara tránh những lời lẽ, hành động khiến tình hình xấu thêm.
Bình luận (0)