Ông Erdogan đang tìm kiếm sự ủng hộ từ số lượng lớn người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở châu Âu, đặc biệt là Đức và Hà Lan, để đảm bảo chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng tới nhằm mở rộng quyền lực của tổng thống. Có 5,5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống ở nước ngoài, với khoảng 1,4 triệu cử tri sống riêng ở Đức.
Tuy nhiên, một số cuộc tuần hành vì mục đích trên đã bị ngăn chặn tại Đức, Áo và Hà Lan. Nhà chức trách sở tại lấy lý do căng thẳng có thể bùng phát, gây lo ngại an ninh.
Vào ngày 11-3, chính phủ Hà Lan đã ngăn Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay đến TP Rotterdam rồi chặn Bộ trưởng Bộ Gia đình và Xã hội Fatma Betul Sayan Kaya vào lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và trục xuất bà này sang Đức.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát Hà Lan đã phải dùng chó nghiệp vụ và vòi phun nước trong ngày 12-3 để giải tán hàng trăm người biểu tình vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài lãnh sự quán ở Rotterdam. Một số người dùng đá và chai lọ làm vũ khí và có người đã bị cảnh sát dùng dùi cui khống chế.
Chính phủ Hà Lan cho biết sự xuất hiện của các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ là điều không mong muốn và không ủng hộ hoạt động của họ tại Hà Lan.
Trong bài phát biểu tại Pháp, ông Cavusoglu mô tả Hà Lan là "thủ phủ của phát-xít" vì cùng với các nước châu Âu khác ngăn chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc tuần hành. Những nước này lo ngại căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ lan rộng sang cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại đây.
Đáp trả hành động của Hà Lan, ông Erdogan đe dọa: "Tôi sẽ kêu gọi tất cả các tổ chức quốc tế tại châu Âu và những nơi khác áp đặt lệnh trừng phạt lên Hà Lan" và chỉ trích các nước phương Tây là "làn sóng chống Hồi giáo". Trong khi đó, Thủ tướng Binali Yildirim thì tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa bằng "những cách khắc nghiệt nhất" nhưng không nói chi tiết.
Người ủng hộ ông Erdogan biểu tình phản đối Hà Lan ngăn 2 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tuần hành. Ảnh: EPA
Trước những phản ứng giận dữ của Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cảnh báo: "Chúng tôi đã rơi vào một hoàn cảnh chưa từng có khi một đồng minh NATO, một quốc gia mà chúng tôi có mối quan hệ lịch sử, thương mại bền chặt, đang hành động hoàn toàn vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được".
Ông Rutter cho rằng chính Ankara mới phải xin lỗi vì so sánh Hà Lan với phát-xít và Đức Quốc xã.
Mâu thuẫn có nguy cơ càng ngày càng gia tăng hôm 12-3 khi Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đề nghị hoãn một chuyến thăm đã được lên kế hoạch trước của Tổng thống Erdogan trong tháng này.
Trong khi đó, các bộ trưởng Đức cũng tỏ ra giữ vững lập trường đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù Thủ tướng Angela Merkel khẳng định chính phủ của bà không phản đối việc các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tham dự các cuộc tuần hành ở Đức miễn là họ được "thông báo đầy đủ", Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere lại không tán thành điều này.
Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Wolfgan Schaeuble cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "phá hủy nền tảng cho những tiến bộ tiếp theo trong việc hợp tác".
Bình luận (0)