Đài RT (Nga) hôm 13-3 cho hay Đại sứ Hà Lan tại Thổ Nhĩ Kỳ Cornelis Van Rij đang về nước nghỉ phép. Ngoài quan chức ngoại giao này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không cho phép các bộ trưởng Hà Lan nhập cảnh.
Theo ông Kurtulmus, Ankara đang “trả lại những gì mà Amsterdam đối xử với họ”. “Chúng tôi không cho phép máy bay chở nhà ngoại giao và đặc phái viên Hà Lan đến Thổ Nhĩ Kỳ hoặc sử dụng không phận của chúng tôi. Ai gây ra khủng hoảng, kẻ đó phải chịu trách nhiệm” – ông nói.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm chính phủ của ông đang đề nghị quốc hội hủy bỏ một thỏa thuận hữu nghị giữa 2 nước. “Hành động của Hà Lan ngăn cản ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh là dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ của châu Âu” – ông Kurtulmus lên án.
Trước đó, máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không được hạ cánh xuống TP Rotterdam - Hà Lan.
Ông Cavusoglu dự định tới đó để vận động người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc thay đổi hiến pháp nhằm trao nhiều quyền hành lớn hơn cho Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, máy bay của ông Cavusoglu không được phép hạ cánh vì lý do an ninh.
Ankara đã triệu tập quan chức ngoại giao của Amsterdam tới để giải thích. Đồng thời, Ngoại trưởng Cavusoglu cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng đối với Hà Lan nếu chuyến thăm của ông bị trì hoãn.
Trong một diễn biến khác liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13-3 phản pháo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau khi ông cáo buộc bà “hỗ trợ khủng bố”. Phát biểu trên đài truyền hình A-Haber, ông Erdogan nói: “Bà Merkel, tại sao bà lại đi bao che cho những tên khủng bố? Tại sao bà không làm gì? Bà Merkel, bà đang hỗ trợ những kẻ khủng bố”.
Ông cũng phàn nàn Berlin không đả động 4.500 hồ sơ về các nghi can khủng bố do Ankara gửi tới. Người phát ngôn của bà Merkel, Steffen Seibert, sau đó cho biết những cáo buộc trên là “vô lý”.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cáo buộc Đức chứa chấp các chiến binh người Kurd và nghi phạm bị truy nã liên quan đến nỗ lực đảo chính bất thành ngày 15-7-2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thêm vào đó, Tổng thống Erdogan đang muốn gia tăng quyền lực trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến tổ chức vào ngày 16-4 sắp tới. Ông đang nhắm tới hàng triệu cử tri đủ tiêu chuẩn bỏ phiếu ở nước ngoài, trong đó có 1,4 triệu người ở Đức.
Tuy nhiên, Berlin đã cấm tổ chức các sự kiện vận động tranh cử của quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ mình. Đầu tuần này, cũng vì lý do trên mà Đức bị Tổng thống Erdogan lên án là “hành xử giống như dưới thời Đức Quốc xã”.
Bình luận (0)