Những ngày đầu tiên của ông Donald Trump ở Nhà Trắng ghi nhận tranh cãi liên quan đến lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân từ một số nước có đa số dân theo Hồi giáo. Động thái này lập tức làm dấy lên nghi ngờ trong cộng đồng 1,6 tỉ người Hồi giáo khắp thế giới rằng ông Donald Trump không thích họ. Đến những ngày cuối năm đầu tiên của nhiệm kỳ, nhà lãnh đạo Mỹ được cho là xúc phạm cả một châu lục (một số nguồn tin nói ông gọi các nước châu Phi là dơ bẩn).
Xen giữa những sự kiện này, ông Donald Trump còn chọc giận một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ, đánh mất sự ủng hộ của họ đối với chương trình nghị sự của ông. Chỉ mới gần đây, một số cường quốc đã đồng loạt phản ứng sau khi ông Donald Trump có ý định vô hiệu hóa thỏa thuận hạt nhân ký với Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman có cùng quan điểm chống Iran Ảnh: REUTERS
Còn trong chuyến công du châu Á vào tháng 11-2017, ông Donald Trump đề nghị các thỏa thuận thương mại song phương để rồi chứng kiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được tái khởi động mà không có Mỹ.
Dĩ nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn tìm được một số người bạn mới. Chẳng hạn, quan hệ giữa ông và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman trở nên gần gũi xuất phát từ điểm chung là không muốn Iran mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Với Riyadh, họ có thêm đồng minh giá trị từ một tổng thống Mỹ chia sẻ nỗi ác cảm với Tehran. Vài tháng sau chuyến thăm Ả Rập Saudi (hồi tháng 5-2017), ông Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, một động thái dẫn đến chỉ trích mạnh của cộng đồng quốc tế.
Theo một cuộc thăm dò mới của Công ty Gallup, tỉ lệ ủng hộ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ tại 134 quốc gia giảm xuống mức thấp kỷ lục là 30%, so với 48% năm 2016. Góp phần không nhỏ vào kết quả này là những gì xảy ra trong năm đầu tiên ông Donald Trump nắm quyền - tái khởi động trật tự tình bạn toàn cầu và mở ra kỷ nguyên mới của sự không chắc chắn.
Bình luận (0)