Quá trình kiểm tra tập trung vào câu hỏi phải chăng các cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng và quỹ đầu tư nhà nước đã trở nên quá thân thiện với các công ty tư nhân, đặc biệt là những công ty bị Bắc Kinh theo dõi sát trong những tháng gần đây như Evergrande, Didi Global Inc và Ant Group.
Citic Group, một trong những nguồn vay chính của Evergrande, cũng nằm trong nhóm các tổ chức bị rà soát, WSJ khẳng định, đồng thời cho biết thêm chiến dịch này đang được cơ quan phòng chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc dẫn đầu và tập trung vào 25 tổ chức tài chính.
Giới chức Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đang xem xét hồ sơ cho vay, đầu tư và quản lý tại những tổ chức này.
Những công ty bị nghi ngờ tham gia vào các thỏa thuận không phù hợp nhiều khả năng bị điều tra chính thức và có thể là kết tội sau đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang rà soát mối quan hệ giữa ngân hàng và tổ chức tài chính nhà nước với các tập đoàn tư nhân. Ảnh: Reuters
Trong những tháng gần đây, các nhà quản lý Trung Quốc đã rà soát hàng loạt lĩnh vực, từ công nghệ đến giáo dục và bất động sản, nhắm đến một trong những công ty lớn nhất đất nước như Alibaba Group và Tencent Holdings.
Thông tin trên được WSJ chia sẻ giữa lúc trái phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc tiếp tục mất giá vào ngày 11-10, khi Evergrande bị dự đoán bỏ lỡ đợt thanh toán trái phiếu thứ 3 trong lúc những tập đoàn khác như Modern Land và Sinic Holdings ráo riết trì hoãn thời hạn thanh toán.
Theo Reuters, các nhà đầu tư lo lắng đã cố bám víu vào niềm hy vọng mong manh rằng Evergrande bằng cách nào đó có thể thanh toán khoản nợ gần 150 triệu USD đúng kỳ hạn 11-10. Tuy nhiên, các trái chủ cho biết họ đến giờ vẫn chưa nhận được bất cứ đồng nào và điều này làm gia tăng nỗi lo Evergrande, từng là tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc, sụp đổ vì núi nợ hơn 300 tỉ USD.
Trong khi đó, Modern Land đã đề nghị các nhà đầu tư gia hạn thêm 3 tháng khoản nợ trái phiếu 250 triệu USD đến kỳ hạn vào ngày 25-10 để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Tương tự, Sinic Holdings cũng thông báo họ nhiều khả năng vỡ nợ vào tuần tới vì không đủ tiềm lực tài chính để thanh toán khoản nợ trái phiếu còn lại trong năm nay. Tập đoàn này còn một khoản nợ trái phiếu đến kỳ hạn vào tuần tới dù trái phiếu này đã giảm 75%.
Một dự án còn dang dở của Tập đoàn bất động sản Evergrande ở TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Giá trái phiếu kỳ hạn tháng 4-2023 với lợi suất 9,8% của Modern Land đã giảm hơn 25%, xuống còn 32,25 cent vào ngày 11-10 trong khi giá cố phiếu của công ty này giảm hơn 30% vào tháng rồi.
Kaisa Group, tập đoàn phát triển bất động sản đầu tiên của Trung Quốc vỡ nợ hồi 2015, cũng chứng kiến giá một vài trái phiếu giảm xuống mức thấp hơn 50% mệnh giá. Còn trái phiếu của R&F Properties và Greenland Holding bị bán tháo dù cả 2 đều có những dự án lớn tại những thành phố như London, New York và Sydney.
Cũng trong ngày 11-10, Tập đoàn bất động sản Fantasia Group thông báo sẽ hạn chế giao dịch trái phiếu Thượng Hải – động thái được cho là nhằm kiềm chế biến động sau khi họ bị Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Quốc tế Trung Quốc (CCXI) hạ tín nhiệm. Theo Channel News Asia, trái phiếu này trước đây được giao dịch thông qua hệ thống đấu giá tại Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải.
Cùng ngày, Shanghai Securities News cho biết hoạt động gây quỹ bằng các sản phẩm bất động sản ủy thác của Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm 44,8% so với tháng trước đó, xuống còn 16,2 tỉ nhân dân tệ (2,51 tỉ USD).
Tập đoàn bất động sản Fantasia Group thông báo sẽ hạn chế giao dịch trái phiếu Thượng Hải. Ảnh: AP
Bình luận (0)