Với 58 phiếu ủng hộ so với 41 phiếu chống, ông Hagel ngồi vào ghế ông chủ Lầu Năm Góc thay người tiền nhiệm Leon Panetta, người nhận được đến 100% phiếu ủng hộ vào tháng 6-2011.
Cựu thượng nghị sĩ bang Nebraska ngỏ lời: “Tôi lấy làm vinh dự khi được tổng thống và thượng viện giao trọng trách phục vụ quốc gia một lần nữa”.
Tổng thống Barack Obama phát biểu: “Khi bàn đến vấn đề quốc phòng, chúng ta không còn là người theo phe Dân chủ hay Cộng hòa. Chúng ta là người Mỹ với trách nhiệm to lớn nhất là đảm bảo an ninh cho nhân dân Mỹ”.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) tuyên thệ nhậm chức sáng 27-2
với người vợ Lilibet giữ quyển Kinh Thánh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Tuy nhiên, không lâu trước khi tuyên thệ nhậm chức, tân bộ trưởng 66 tuổi bất ngờ gặp vạ từ trên trời rơi xuống. “Nhiều năm qua, Ấn Độ đã đổ tiền bạc vào Afghanistan để biến nơi này thành tiền đồn thứ hai chống lại Pakistan” – lời phát biểu vốn chẳng mấy ai nhớ đến từ năm 2011 của ông Hagel tại Đại học Oklahoma không hiểu bằng cách nào xuất hiện trên mạng.
Đại sứ quán Ấn Độ tại Washington phản ứng nhanh đáng kinh ngạc, phản pháo rằng bình luận của ông Hagel “trái ngược với thực tế”. Báo chí Pakistan cũng nhanh chân nhảy vào cuộc.
Tuy Ấn Độ luôn rất nhạy cảm trước bất cứ thắc mắc nào về động cơ của nước này ở Afghanistan nhưng theo đài BBC, vụ việc lần này cho thấy một vấn đề lớn hơn: New Delhi đang bất an về quan hệ với Washington.
Ấn Độ và Mỹ chỉ mới kết thúc hàng chục năm quan hệ băng giá dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, song đến nay vẫn còn nhiều nghi kỵ và hiểu lầm về nhiều vấn đề từ mua bán vũ khí đến công nghệ. “Đảng Cộng hòa luôn tốt hơn đối với Ấn Độ. Họ có tầm nhìn chiến lược hơn phe Dân chủ” – Giáo sư Bharat Karnad tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách cho hay.
Với sự ra đi của những tiếng nói ủng hộ hàng đầu – bà Hillary Clinton ở Bộ Ngoại giao và ông Leon Panetta ở Bộ Quốc phòng, một quan chức Ấn Độ thừa nhận nước này còn phải chờ “phán quyết của John Kerry và Chuck Hagel”.
Bình luận (0)