Cổ phiếu giảm mạnh ở Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) trong ngày 24-6 (giờ điạ phương), với mức giảm dao động từ 7-8%. Chỉ số IBEX và Banco Santander (SAN.MC) của Tây Ban Nha lần lượt sụt mạnh tới 12% và 20%, trong khi chỉ số Unicredit (CRDI.MI) của Ý chốt phiên giao dịch với mức giảm 24%.
Chỉ số Nikkei .N225 của Tokyo chứng kiến đợt tụt giá mạnh nhất từ năm 2011, giảm 7,9%. Chỉ số MSCI của châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm gần 3,4%.
Tại London – Anh, chỉ số FTSE hạ 3,2%. Các nhà đầu tư dự đoán sự giảm giá của đồng bảng Anh có thể mang lại một số lợi ích cho nước này, dù vừa bỏ phiếu rời khỏi EU (Brexit). Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, chỉ số FTSE đóng cửa ở mức tăng 2%, cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Giá dầu giảm khoảng 5% trong ngày 24-6 do lo ngại kinh tế giảm tốc sẽ kéo giảm nhu cầu sử dụng dầu.
Tuy nhiên, các ngân hàng lớn của Anh được cho là bốc hơi ít nhất 100 tỉ USD do 3 chỉ số Lloyds (LLOY.L), Barclays (BARC.L) và RBS (RBS.L) đều giảm 30%, dù các ngân hàng này đã cắt lỗ phân nửa sau đó trong ngày.
Đồng euro đã giảm 3% xuống còn 1 euro đổi 1,1050 USD trong ngày 24-6. Đồng yen Nhật tăng 3,8% lên 1 USD đổi 102,36 yen.
Ngân hàng Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đều cho biết họ đã sẵn sàng để cung cấp thanh khoản nếu cần thiết nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, giao dịch cổ phiếu tại phố Wall (Mỹ) giảm hơn 3%, khiến chỉ số Dow Jones mất 655 điểm, mức giảm hàng ngày tồi tệ nhất trong vòng 10 tháng qua. Chỉ số S&P 500 giảm 76,02 điểm (tương đương 3,6%) xuống còn 2.037,3 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite .IXIC mất 202,06 điểm (4,2%) còn 4.707,98 điểm. Chỉ số MIWD00000PUS theo dõi thị trường chứng khoán tại hơn 40 quốc gia giảm 4,8%.
Các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang vàng, đồng yen Nhật và trái phiếu chính phủ để tìm kiếm sự an toàn. Các nhà phân tích nói rằng việc Anh rời khỏi EU có thể làm chậm thương mại và đầu tư trong nước, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tài chính quan trọng của vương quốc, dẫn tới khả năng đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Chiến lược gia Jeff Kravetz đến từ Ngân hàng Mỹ giải thích vụ Brexit làm thị trường chứng khoán toàn cầu bị bất ngờ nhưng khi mọi thứ lắng xuống, tất sẽ nhận ra rằng đây không phải là “thời điểm diệt vong của thế giới”.
15 người giàu nhất nước Anh mất tổng cộng 5,5 tỉ USD trong tổng tài sản của họ ngày 24-6 sau sự kiện Brexit.
Người giàu nhất nước Anh, ông Gerald Grosvenor, cũng mất nhiều nhất. Tài sản của ông sụt giảm 1 tỉ USD, theo hãng tin Bloomberg. Theo sau ông Grosvenor là chủ sở hữu Công ty Topshop Philip Green và 2 ông trùm đất đai Charles Cadogan và Bruno Schroder.
Cũng trong ngày 24-6, 400 người giàu nhất thế giới mất 127,4 tỉ USD tổng giá trị tài sản sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu gặp biến động mạnh. Trong đó, các tỉ phú bốc hơi 3,2% tổng giá trị tài sản (ước tính 3,9 ngàn tỉ USD).
Hãng tin Bloomberg cho biết người giàu nhất châu Âu Amancio Ortega mất nhiều tiền nhất, hơn 6 tỉ USD, trong khi 9 người khác - bao gồm cả tỉ phú Bill Gates , Jeff Bezos (Mỹ) và Gerald Cavendish Grosveno (nhân vật giàu nhất nước Anh) có tài sản bị giảm hơn 1 tỉ USD.
Bình luận (0)