Bức tranh thể hiện mong muốn tìm thấy chuyến bay mất tích MH370, tại sân bay Kuala Lumpur. Ảnh: REUTERS
1. bay có thể đã gặp hỏa hoạn trên không trung
Buồng lái của chuyến máy bay mất tích MH370 bốc cháy và phi công nỗ lực cứu máy bay bằng cách tìm cách hạ cánh xuống sân bay gần nhất của Malaysia, giả thuyết được cho là thuyết phục nhất của phi công kì cựu Chris Goodfellow.
Ảnh: Reuters
Goodfellow cho rằng phi hành đoàn có thể đã khống chế được hỏa hoạn và máy bay tiếp tục di chuyển bằng hệ thống điều khiển tự động cho tới khi hết nhiên liệu. Một kịch bản khác cũng được viên phi công hạng 1 của Canada nhắc tới là ngọn lửa đã hủy hoại hệ thống điều khiển trong buồng lái và chiếc máy bay rơi.
Ông cũng lý giải rằng hỏa hoạn và lý do giải thích hợp lý nhất của việc mất tín hiệu của chiếc máy bay. Bởi “trong trường hợp có hỏa hoạn, phản ứng đầu tiên là dập thiết bị điện tử chính của máy bay và khôi phục từ từ để tìm ra nguyên nhân gây cháy. Lúc bấy giờ hệ thống tự động cập nhật dữ liệu ACARS và thiết bị truyền phát tín hiệu máy bay cũng bị ngắt. Còn phi hành đoàn phải tối mắt tối mũi vào việc dập lửa” - Chris Goodfellow nói.
Vị phi công cũng không loại trừ khả năng nguyên nhân gây cháy là do bánh đáp trước của máy bay bắt lửa khi cất cánh. Việc này từng có tiền lệ với chiếc DC-8 ở Nigeria, khiến máy bay này gặp tai nạn. Cơ trưởng lập lức chọn giải pháp đã được huấn luyện: Đó là quay vòng máy bay về sân bay gần nhất để hạ cánh.
Các chuyên gia nói gì?
Một số người cho rằng cách giải thích này có vẻ hợp lý. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn tìm thấy những sơ hở tại giả thuyết này. Họ khẳng định trước đó giới chức Malaysia công bố chiếc máy bay vòng qua trái nhờ sử dụng hệ thống máy tính trên máy bay. Điều đó đòi hỏi 7 đến 8 tổ hợp phím trên máy tính. Thêm vào đó, thay đổi đường bay trong trường hợp khẩn cần luôn đòi hỏi con người tham gia điều khiển. Do đó, việc Goodfellow khăng khăng rằng máy bay tiếp tục bay bằng hệ thống điều khiển tự động cho tới khi hết nhiên liệu là không thuyết phục.
Thêm vào đó, chiếc máy bay được tin là rẽ không ít lần sau cú vòng trái đầu tiên, do đó khó có thể không có sự can thiệp của con người.
Hơn nữa, tiếng “ping” ghi nhận được thông qua vệ tinh Inmarsat vào lúc 8 giờ 11 ngày 8-3, ngày chiếc máy bay mất tích - ở khu vực Trung Á và phía nam Ấn Độ Dương đều không cho thấy chiếc máy bay có ý bay về hướng Langkawi.
2. HM370 có thể “núp” sau máy bay khác để tránh radar quân sự
Một người tự xưng là phi công “đam mê bầu trời” tên là Keith Ledgerwood đang gây bão trên mạng xã hội Tumblr với giả thuyết được cho là khá lý thú. Ông cho rằng chiếc máy bay có thể đã bay qua Ấn Độ và Pakistan và tránh được radar quân sự bằng cách tắt các hệ thống thông tin và …“núp” sau chiếc Boeing 777 đang bay tới Barcelona của hãng Singapore Airlines. Được biết, chiếc Boeing 777 của Singapore rời sân bay Changi vào khoảng 1 giờ 05 ngày 8-3, tức là đúng 25 phút sau khi MH370 cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur.
Ông Ledgerwood còn suy đoán thêm rằng do MH370 đã tắt hết các thiết bị liên lạc, nên phi hành đoàn của Singapore không thể phát hiện dù nó đang bay sát bên.
Phát ngôn viên của Singapore Airlines chỉ nói rằng tất cả các thông tin phục vụ cho việc tìm kiếm MH370 đều đã được chuyển tới giới chức điều tra.
Chuyên gia nói gì?
Giới chuyên gia cho rằng giả thuyết này nghe có vẻ “bùi tai” khi ở trên giấy. Song, điều đáng nói là qua mặt radar tối tân của quân sự bằng chiêu “núp” bóng máy bay khác là điều khó tưởng. Hai chiếc máy bay muốn xuất hiện là một điểm trên radar quân sự thì ít nhất phải bay cách nhau 1000m. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, radar tinh vi của quân sự vẫn phân biệt được chúng.
3. Máy bay trốn radar bằng kỹ thuật “mặt nạ địa hình”
Một số nhà điều tra cho rằng MH370 đã bay ở độ cao rất thấp, 1,5 km hoặc thấp hơn, và sử dụng “mặt nạ địa hình” (cách phi công dùng địa hình che chắn để không bị sóng radar phát hiện) khi nó ngang qua vịnh Bengal hướng về phương Bắc. Chiến thuật này được sử dụng bởi các phi công quân sự để bay tới mục tiêu một cách lén lút. Một nhóm chuyên gia kỹ thuật đã xem xét khả năng người lái chiếc máy bay lợi dụng thời điểm vịnh Bengal có đông chuyến bay qua lại để tránh radar quân sự.
Chuyên gia nói gì?
Guardian dẫn lời chuyên gia hàng không Jason Middleton thuộc Đại học New South Wales cho biết chiêu “mặt nạ địa hình” để tránh radar khá phổ biến đối với những chiếc trực thăng nhỏ. Tuy nhiên, việc một chiếc máy bay chở hàng trăm người hạ xuống độ cao 1,5 km để tránh radar là quá mạo hiểm, bởi phần khung máy bay sẽ chịu áp lực khủng khiếp.
4. Hành khách hoặc phi hành đoàn cướp máy bay
Cơ trưởng chuyến bay đang bị điều tra. Ảnh: Reuters
Giả thuyết này cũng có vẻ đơn giản và thuyết phục, song giới chuyên gia khẳng định cho tới nay chưa tìm được manh mối khả nghi nào củng cố cho giả thuyết này, dù giới chức điều tra đã lục tung nhà cơ trưởng và điều tra tất cả những người liên quan tới chuyến bay.
Bình luận (0)