Anh Anoop tin rằng hình ảnh đó là của chiếc máy bay Boeing 777-200 mất tích chở 239 người đã được hàng chục quốc gia lùng sục suốt 12 ngày qua.
Chuyên viên IT này nằm trong số hàng ngàn người khắp thế giới liên quan đến “nguồn lực cộng đồng” (crowd-sourcing) để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đã chuyển hướng về phía Ấn Độ Dương sau khi mất liên lạc trong lúc bay trên biển Đông.
Thuật ngữ “Nguồn lực cộng đồng” chỉ hình thức giao công việc cho một cộng đồng hoặc một nhóm người, thông qua một “lời kêu gọi” để tất cả có thể cùng đóng góp thực hiện công việc đó, được trả tiền hoặc không trả tiền, thông qua internet.
Nhà phân tích IT này đã đăng tải phát hiện của mình lên trang web của CNN từ hôm 14-3 và đến nay đã có hơn 16.000 lượt người xem cùng nhiều lời bình luận.
Anoop nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng hình ảnh này là của chiếc máy bay mất tích bởi nhiều lý do. Trước hết, hình ảnh thu được ngay bên trên một khu rừng và rất gần với đường băng của bán đảo Andaman (nằm trên Ấn Độ Dương). Điều quan trọng là kích thước và màu của chiếc máy bay mất tích phù hợp với chiếc máy bay trong ảnh”.
Khi nhìn kỹ hơn có thể thấy máy bay bay cực kỳ thấp, đến mức các đám mây cũng ở bên trên nó, một động thái được đánh giá là để tránh sự phát hiện của radar.
Tuy nhiên, Công ty Mapbox - chuyên cung cấp hình ảnh vệ tinh để giúp tìm kiếm chuyến bay MH370 - đã khẳng định hình ảnh trên dựa vào dữ liệu cũ. Bruno Sánchez-Andrade Nuño, nhà khoa học hàng đầu của Mapbox, xác nhận hình ảnh vệ tinh này đã không được chú ý trong công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Trong khi đó, một sinh Đài Loan cũng gửi một hình ảnh vệ tinh cho Tomnod.com - một trang bản đồ trực tuyến của công ty DigitalGlobe đang được hàng triệu cư dân mạng sử dụng để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Theo tờ China Times của Đài Loan, sinh viên trên phát hiện ra vị trí này hôm 18-3, thuộc tờ bản đồ số Map654342. Ảnh được gửi tới Tomnod để kiểm tra thông tin về địa điểm. Trong bức ảnh, dường như một máy bay dân dụng đang nằm trong một khu rừng, đằng sau là dấu vết có thể là va chạm hoặc vệt dầu..
Đến nay, tính xác thực của bức ảnh cũng như liệu đây có phải là chiếc MH370 hay không vẫn chưa thể khẳng định.
Bình luận (0)