“Về báo cáo rằng chiếc máy bay đã được nhìn thấy ở Maldives, tôi có thể xác nhận rằng người đứng đầu Lực lượng Quốc phòng Malaysia đã liên hệ với đối tác của mình ở Maldives. Quan chức đó xác nhận các báo cáo nêu trên là không đúng sự thật'” - ông Hishammuddin Hussein nói trong cuộc họp báo ngày 19-3.
Ông cũng cho biết Malaysia đã nhận thông tin của các hành khách từ Nga và Ukraine, cho đến nay không có dữ liệu đáng lưu tâm nào được tìm thấy. Do đó, mọi hành khách và phi hành đoàn vẫn vô tội cho đến khi có thêm bằng chứng.
Quyền Bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein bác tin máy bay mất tích xuất hiện ở Maldives.
Ảnh: REUTERS
Bên cạnh đó, Kuala Lumpur cũng nhận được một số dữ liệu radar từ các nước nhưng ông Hishammuddin Hussein không thể tiết lộ vì đó là thông tin nhạy cảm.
Cuộc họp báo chiều 19-3 trở nên hỗn loạn khi nhiều người được cho là thân nhân hành khách xông vào phòng họp. 2 người phụ nữ Trung Quốc cố gắng tiếp xúc với các phóng viên tại cuộc họp báo. Họ la hét thảm thiết khi bị cảnh sát lôi đi.
Khu vực tìm kiếm hiện nay phủ khắp 2,24 triệu hải lý vuông, tương đương 4/5 kích thước của Mỹ, trải dài từ biên giới của Kazakhstan và Turkmenistan ở Trung Á đến phía Nam Ấn Độ Dương. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã tổ chức thảo luận với các bộ trưởng và quan chức cao cấp có liên quan về khu vực tìm kiếm máy bay mất tích.
Nguồn: YouTube/Sky News
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến MH370 đi vào không phận nước này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi xác nhận trong cuộc họp báo ngắn cùng ngày.
Máy bay còn nguyên vẹn và đã hạ cánh?
Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho biết Hệ thống giám sát quốc tế (IMS) cực nhạy trên khắp thế giới của họ không phát hiện bất kỳ vụ nổ hay va chạm nào cả trên biển lẫn trên cạn kể từ khi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines mất tích hôm 8-3.
Tờ The Star (Malaysia) ngày 19-3 dẫn lời Tổng thư ký CTBTO Lassina Zarbo cho biết IMS được thiết lập để phát hiện các vụ nổ hạt nhân nhưng cũng có thể phát hiện các vụ nổ hoặc đâm máy bay trên cạn hoặc trên biển.
“Dữ liệu của chúng tôi nhiều khả năng có thể phát hiện tung tích của MH370. Chúng tôi sẽ khai thác tối đa tiềm năng này để giúp gia đình các hành khách đang lo lắng” - ông Zarbo khẳng định.
Các trạm giám sát của CTBTO từng phát hiện một số vụ tai nạn máy bay, như vụ máy bay lao xuống sân bay Narita (Nhật Bản) hồi tháng 3-2009. Nếu thông tin của CTBTO chính xác, có khả năng máy bay còn nguyên vẹn và đã hạ cánh. Câu hỏi đặt ra là nó đang ở đâu?
Bình luận (0)