Mỹ, Anh và Pháp đã nã 105 tên lửa vào thủ đô Damascus vào tối 13-4 để đáp trả nghi vấn chính quyền tổng thống Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Lầu Năm Góc tuyên bố cuộc không kích nói trên đã thành công. Trong khi đó, Moscow và Damascus khẳng định lực lượng phòng không của Syria đã bắn hạ 71/105 tên lửa của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, tuyên bố này đang bị nghi ngờ.
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã xác nhận rằng hệ thống phòng không của Nga hoàn toàn "im lặng" trong suốt cuộc không kích hôm 13-4, theo phóng viên Lucas Tomlinson của Fox News.
Cũng theo Tomlinson, ông Dunford còn khẳng định động thái đáp trả duy nhất là quân đội Syria bắn các tên lửa đất đối không sau khi cuộc không kích đã kết thúc và mục đích là để "giữ thể diện".
Syria và Nga tuyên bố bắn hạ 71/105 tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp trong cuộc không kích tối 13-4. Ảnh: AP
Và mới đây, sau khi xem loạt ảnh về quỹ đạo bay của tên lửa phòng không Syria, chuyên gia về tác chiến trên không Justin Bronk khẳng định với Business Insider rằng ông "không tin" tuyên bố bắn hạ 71/105 tên lửa của Nga và Syria.
"Quỹ đạo mà tôi nhìn thầy từ ảnh chụp được cho là của tên lửa đất đối không Syria không giống với những gì tôi mong đợi về quỹ đạo bay của tên lửa đánh chặn các tên lửa hành trình tầm thấp. Tôi không tin những tuyên bố đánh chặn của Nga/Syria" – ông Justin, đến từ Viện Quân sự Thống nhất Hoàng gia Anh, khẳng định với Bussiness Insider.
Thông thường, tên lửa đánh chặn không bay theo quỹ đạo thẳng mà thay vào đó, chúng phải đổi hướng liên tục để tìm kiếm và triệt hạ tên lửa của đối phương. Đằng này, các tên lửa của Syria bay theo "đường thẳng hoặc cong mượt mà".
Loạt ảnh tên lửa công kích được Mỹ, Anh và Pháp chia sẻ cho thấy các tên lửa của họ có quỹ đạo bay gấp khúc.
Nếu Syria phóng tên lửa đánh chặn sau khi cuộc không kích đã kết thúc, việc tên lửa của họ bay thẳng do không tìm thấy mục tiêu là hợp lý.
Tên lửa đánh chặn của Syria bay theo quỹ đạo thẳng. Ảnh: AP
Trong khi đó, tên lửa tấn công của liên quân Mỹ bay theo quỹ đạo gấp khúc. Ảnh: AP
Bình luận (0)