Reuters đã phỏng vấn 5 binh sĩ Nga vừa xuất ngũ sau khi đến miền Đông Ukraine.
Theo lời một người từng là thành viên của sư đoàn tăng thiết giáp Kantemirovskaya, anh ta đến Ukraine hồi năm ngoái trên một đoàn xe bọc thép. Trước đó, anh được gửi đến miền Nam nước Nga để huấn luyện.
Người này cho Reuters biết danh tính nhưng đề nghị hãng tin này giấu tên. Anh cho biết: “Sau khi chúng tôi vượt qua biên giới, một viên trung tá nói rằng chúng tôi có thể bị vào tù nếu không chấp hành mệnh lệnh. Một số người từ chối ở lại. Tôi biết 2 người không chịu chiến đấu".
Người này nói thêm mình đến Ukraine vào mùa hè năm ngoái và trở về Nga vào tháng 9 cùng năm, khi cuộc đàm phán ngừng bắn đầu tiên diễn ra. Đơn vị của anh lúc đó vận hành một chiếc xe tăng T-72B3 và được hứa hẹn nhận trợ cấp, các khoản “bồi dưỡng” cùng huy chương.
Tuy nhiên, khi trở về Nga, "chẳng có binh sĩ nào nhận được khoản “bồi dưỡng” kể trên". Kết quả là anh cùng với 13 người khác trong đơn vị xin rời quân ngũ.
Danh tính 9 người lính trong số này được đề cập trong những lá thư giữa Viktor Miskovets – quản lý nguồn nhân lực của Quân khu miền Tây Nga và Valentina Melnikova – giám đốc điều hành Liên minh Ủy ban Các bà mẹ người lính, trụ sở ở Moscow.
5 cựu binh Nga nói trên khẳng định một số binh sĩ sợ bị điều đến Ukraine nhưng vẫn bị ép buộc phải thực hiện. Có người bất mãn về cách họ bị đối xử sau thời gian chiến đấu ở đó. Bản thân cựu binh sư đoàn tăng thiết giáp Kantemirovskaya cũng không tình nguyện đến Ukraine bởi "đó không phải là cuộc chiến của chúng tôi".
Một binh sĩ 21 tuổi khác nói với Reuters rằng anh rời khỏi chiến trường Ukraine khi đang phục vụ cho một đơn vị tên lửa Grad. Trước đó, vào mùa hè năm 2014, anh và đơn vị được triển khai tới Rostov, Tây Nam nước Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 2 km để diễn tập quân sự. Tuy nhiên, các chỉ huy bắt họ lái xe quân sự không biển số, cũng như không cài phù hiệu trên áo. Họ được giải thích những thứ đó không cần thiết trên chiến trường.
Tới đầu tháng 9-2014, đơn vị của binh sĩ 21 tuổi được lệnh nã rốc-két vào một “mục tiêu” cách xa 17 km. “Đó có thể là một mục tiêu ở Ukraine. Tôi hy vọng rốc-két không trúng vào người dân hoặc ít nhất là tôi đã đánh trật mục tiêu” - anh nói.
Trong thời gian đó, binh sĩ này biết được thông tin một số đồng đội của mình đã được lệnh vượt qua biên giới và ở Ukraine trong vòng 10 ngày.
Khi nghỉ phép hồi tháng 1 vừa qua, anh bất ngờ được triệu tập trở lại đơn vị và gia nhập lực lượng pháo binh, tiếp tục diễn tập ở Rostov. Anh và 4 đồng đội khác quyết định nộp đơn xin rời quân ngũ vào tháng 3 để tránh phải chiến đấu tại Ukraine.
Theo Reuters, hầu hết lính Nga chiến đấu ở miền Đông Ukraine hồi năm ngoái, dù tình nguyện hay không, đều đến từ Bắc Caucasus hoặc vùng Volga. Gần đây còn có các tay súng đến từ Siberia.
Chiến binh Yevgeniy Romanenko thuộc phe ly khai Ukraine thân Nga, 39 tuổi, cho biết trong cuộc xung đột gần thị trấn Debaltseve tháng 2 vừa qua, ông đã lái một chiếc xe tải trong một đoàn xe được hộ tống bởi 2 xe tăng do những người Buryat – Siberia điều khiển. Romanenko khẳng định có cả quân nhân Nga đi theo.
Ông Sergei Krivenko, Giám đốc tổ chức nhân quyền “Công dân. Quân đội. Quyền lợi”, tiết lộ giới chức quân sự Nga hứa hẹn trả thù lao hậu hĩnh cho binh sĩ để họ "tình nguyện" sang Ukraine chiến đấu. Những binh sĩ nào từ chối thường đối mặt những sức ép như bị bắt xuất ngũ.
Bình luận (0)