Ngày 26-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến bắt đầu chuyến công du Mỹ kéo dài 8 ngày được thế giới theo dõi sát sao.
Trên nền tảng chính sách đối ngoại đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đồng minh với Mỹ, “những món quà” mà nhà lãnh đạo Nhật mang theo bao gồm nhiều vấn đề từ an ninh tới các thỏa thuận thương mại nhằm tăng cường quan hệ song phương, từ đó đối phó tốt hơn các thách thức trong khu vực.
“Mục đích lớn nhất (của chuyến đi) là thúc đẩy liên minh Nhật - Mỹ và phát đi thông điệp về những việc chúng tôi có thể làm cho hòa bình, thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới” - ông Abe phát biểu trên truyền hình nước nhà trước thềm chuyến đi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
sẽ bàn chuyện hợp tác an ninh, thương mại tại Nhà Trắng vào tuần tớiẢnh: Bloomberg
Giới chức Nhật khẳng định ông Abe sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng Tokyo đã sẵn sàng chịu trách nhiệm nhiều hơn về vấn đề an ninh thế giới. Theo giới chuyên gia, phía sau thông điệp đó, nhà lãnh đạo đất nước mặt trời mọc muốn Mỹ cam kết sẽ xuất hiện khi Nhật cần trong bất cứ cuộc đụng độ nào với Trung Quốc.
Reuters dẫn lời ông Hajime Funada, người đứng đầu Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, nhận định: “Mỹ dĩ nhiên đã cam kết và khẳng định lợi ích ở châu Á nhưng chúng tôi muốn họ để mắt nhiều hơn tới châu Á và xây dựng tầm ảnh hưởng đối với Trung Quốc. Chúng tôi nhận thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình… đang tăng cường thúc đẩy hành động bá quyền”.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng chuyến thăm của ông Abe mang ý nghĩa lịch sử, đánh dấu giai đoạn mới trong mối quan hệ đồng minh xuyên Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và kinh tế. Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Abe ở Nhà Trắng vào ngày 28-4 dự kiến tập trung vào tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng Mỹ - Nhật.
Những nội dung liên quan Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một phần quan trọng trong chính sách tái xoay trục của Mỹ - cũng đứng đầu chương trình nghị sự. Hồi đầu tuần này, giới chức thương mại Mỹ và Nhật đã có cuộc gặp tại Tokyo và đã thu hẹp đáng kể lập trường đàm phán giữa nền kinh tế lớn nhất với nền kinh tế thứ ba thế giới. Ngoài ra, 2 nhà lãnh đạo Nhật - Mỹ còn có thể bàn về Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.
Dư luận cũng sẽ theo dõi chặt chẽ sự kiện ông Abe trở thành thủ tướng Nhật đầu tiên có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ trong ngày 29-4. Giới phân tích chính trị dự đoán bài phát biểu 40 phút này sẽ hé mở phần nào nội dung bài diễn văn mà ông Abe đưa ra nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II. Những lời bóng gió gần đây của ông Abe khiến giới quan sát không khỏi lo ngại bài diễn văn sẽ không còn chứa đựng lời xin lỗi, khác với điều những người tiền nhiệm của ông làm nhân dịp 50 năm và 60 năm kết thúc Thế chiến II.
Theo báo The Washington Post, 25 nhà lập pháp Mỹ từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã ký vào lá thư hối thúc thủ tướng Nhật “chính thức xác nhận” lời xin lỗi của những người tiền nhiệm. Lá thư được gửi tới Đại sứ Nhật tại Washington, ông Kenichiro Sasae, hôm 23-4. Các nghị sĩ Mỹ bày tỏ mong muốn ông Abe sẽ dùng sự kiện kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II để tăng cường quan hệ với các nước láng giềng theo hướng hàn gắn và hòa giải lâu dài.
Bình luận (0)