Kênh truyền hình NHK (Nhật Bản) cho biết cảnh sát tìm thấy một lượng phòng xạ “rất nhỏ” trên chiếc UAV. Tuy nhiên, lượng phóng xạ này nằm trong ngưỡng an toàn và không thể làm hại con người. Các cảnh quay trên truyền hình cho thấy chiếc máy bay có đường kính khoảng 50 cm.
Một đội dò tìm bom mìn được gọi đến văn phòng thủ tướng Abe và thu hồi chiếc UAV. Nó mang theo một chiếc camera nhỏ và một chai nước.
Hiên chưa rõ người nào là chủ nhân chiếc UAV và sử dụng nó vào mục đích gì. Nhưng ngày 22-4, một tòa án Nhật Bản thông qua quyết định tái khởi động một nhà máy điện hạt nhân ở phía Tây Nam, bất chấp lo ngại của người dân kể từ khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Người ta tin rằng chiếc UAV có liên quan đến phán quyết của tòa án.
Trước đó, Thủ tướng Abe muốn tòa án phê duyệt chương trình hạt nhân này để giúp hạn chế nhập khẩu than đá và khí đốt từ bên ngoài với giá cao.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng đang trưng dụng khu vực đặt nhà máy hạt nhân ở Fukushima cho mục đích thử nghiệm máy bay và robot. Một công ty của Nhật Bản trong năm nay đang lên kế hoạch sản xuất hàng loạt máy bay 6 cánh quạt có thể khảo sát mức độ bức xạ tại vùng này
Vào thời điểm xảy ra sự việc kể trên, nhà lãnh đạo Nhật Bản đang ở Indonesia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi. Một quan chức có mặt trong văn phòng thủ tướng lúc đó từ chối trả lời báo chí về diễn biến cụ thể. Bên lề hội nghị này, ông Abe có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nỗ lực làm tan băng quan hệ giữa 2 bên.
Tuy nhiên, một nhóm gồm 106 nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái chính trị khác nhau ở Nhật Bản đã đến viếng đền Yasukuni ở thủ đô Tokyo hôm 22-4, một ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe gửi đồ lễ đến ngôi đền này. Sự việc này khiến Trung Quốc và Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (bìa phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ hai từ trái sang)
tại lễ khai mạc Hội nghị Á - Phi ở Jakarta hôm 22-4. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Thủ tướng Abe vào tháng tới sẽ trình lên quốc hội một dự luật cho phép mở rộng vai trò phi chiến đấu của Nhật trong xung đột vũ trang "ở những khu vực vượt ra khỏi xung quanh Nhật Bản". Cụ thể, Nhật Bản sẽ cung ứng nhiên liệu và đạn dược cho các đơn vị Mỹ ở mọi nơi nếu Tokyo nhận thấy an ninh quốc gia bị đe dọa, theo các nguồn tin chính phủ và trong đảng cầm quyền Nhật Bản được Reuters trích dẫn.
Theo Reuters, động thái này sẽ mở đường cho Nhật hỗ trợ các lực lượng của Mỹ ở biển Đông. Cả Mỹ lẫn Nhật không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng tuyên bố có lợi ích ở khu vực này. "Nếu Philippines đụng độ với Trung Quốc, họ sẽ cầu cứu đồng minh Mỹ. Nếu quân đội Mỹ tìm đến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) nhờ giúp đỡ, câu hỏi đặt ra khi đó là Nhật Bản có thể làm gì" - một chuyên gia chính sách thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) nói.
Các đảng trong liên minh cầm quyền của ông Abe đã thống nhất dỡ bỏ hạn chế chỉ cho phép Nhật Bản hỗ trợ hậu cần Mỹ tại "những khu vực quanh Nhật Bản", ám chỉ xung đột tiềm ẩn với Triều Tiên.
Bình luận (0)