Đây là chuyến đi tới Nga lần thứ hai của ông Kerry trong năm nay và lần thứ ba ông tới Nga trong vòng 12 tháng trở lại đây.
Chuyến thăm lần này của ông Kerry đối mặt sự phản đối mạnh mẽ của không ít quan chức quốc phòng, tình báo Mỹ bởi họ cho rằng giữa Nga và Mỹ có những mục tiêu khác nhau ở Syria.
Ngoài ra, quan hệ giữa Moscow và Washington lúc này đang diễn biến theo chiều hướng xấu sau cuộc khủng hoảng Ukraine và sự gia tăng quân sự của NATO tại Đông Âu.
Trong khi ông Kerry vẫn còn hy vọng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn với Nga, nhiều quan chức Mỹ tin rằng Washington không có chiến lược đối phó với những thách thức mà Nga đang đặt ra ở châu Âu và Syria.
Một quan chức giấu tên nói với Reuters: “Ông ấy (Kerry) đã bỏ qua thực tế rằng người Nga và các đồng minh Syria của họ không phân biệt được hành động ném bom IS và thành viên phe đối lập ôn hòa, bao gồm các thành viên được chúng ta huấn luyện. Tại sao chúng ta lại chia sẻ thông tin tình báo với những người đã làm điều đó”.
Hôm 11-7, 3 quan chức tình báo Mỹ cáo buộc máy bay Nga ném bom một trại quân nổi dậy, giết chết 123 người. Một số nạn nhân được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đào tạo cùng với sĩ quan tình báo, quân sự đến từ các nước Ả Rập đồng minh.
Sau đó 1 ngày, một trại quân nổi dậy gần đó cũng “bị máy bay Nga ném bom” làm 12 tay súng thiệt mạng. Ba quan chức tình báo Mỹ cho biết các lán trại nằm ở vùng đất trống thuộc biên giới Syria – Jordan, không có bất kỳ binh sĩ Syria hoặc thành viên IS nào và người Nga đã tấn công một cách cố ý.
Nỗ lực của Ngoại trưởng Kerry càng làm cho các thuộc cấp của ông băn khoăn vì hôm 12-7, Nga từ chối để Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phát thanh Truyền hình Mỹ Jeff Shell nhập cảnh. Ông Shell sau đó bị giam tại một căn phòng ở sân bay Sheremetevo, Moscow suốt vài giờ mặc dù có hộ chiếu hợp lệ và thị thực Nga.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Shell là một trong những nhân vật tuyên truyền chống Nga, nhận tài trợ từ ngân sách Mỹ nên sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nga “một thời gian dài” (có thông tin cho biết ông Shell bị cấm vĩnh viễn vào Nga).
Trong ngày 14-7, báo The Washington Post rò rỉ một tài liệu cho thấy Mỹ đang đề nghị với Nga một thỏa thuận mới về chống IS và Al-Qaeda ở Syria. Nếu hai bên nhất trí, thỏa thuận này có thể làm thay đổi đáng kể vai trò của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.
Ngoại trưởng Kerry từ chối bình luận về thông tin nói trên. Ông chỉ cho biết sẽ đến Moscow, gặp Tổng thống Vladimir Putin vào tối 14-7 và không có nhiều thời gian để nói về nó.
Còn các quan chức Washington khẳng định triển vọng để đạt được thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên là không rõ ràng. “Chúng tôi không bình luận chi tiết về tài liệu chưa được phê duyệt hoặc đồng ý” – một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với AP.
Hồi tháng trước, 51 cán bộ ngoại giao Mỹ đang tham gia tư vấn chính sách về tình hình Syria đã ký vào một bản ghi nhớ, kêu gọi Washington mở cuộc “tấn công quân sự” nhằm vào chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad do liên tục bị cáo buộc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Theo một số quan chức Mỹ, phản đối chính sách về Syria mới nhất của Washington bao gồm nhiều nhân vật đến từ Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo. Những diễn biến trên chứng tỏ rằng nội bộ nước Mỹ vẫn đang lục đục trong việc đạt được một chính sách nhất quán tại Syria.
Bình luận (0)