Hãng tin Reuters hôm 30-6 dẫn lời giới chức Mỹ cho biết kế hoạch này phụ thuộc vào việc Moscow có chịu thúc ép chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngừng ném bom phe nổi dậy ôn hòa đang được Washington hậu thuẫn hay không.
Trong trường hợp Moscow đáp ứng, Mỹ sẽ cân nhắc giúp Nga tấn công chính xác hơn những nhóm khủng bố nói trên, như tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về vị trí mục tiêu.
Kế hoạch trên cũng đòi hỏi phe đối lập ôn hòa rời khỏi những nơi các tay súng Mặt trận al-Nusra hoạt động và chuyển đến những khu vực dễ nhận biết. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động thái này có thể khiến họ dễ trở thành mục tiêu bị tấn công hơn trong các cuộc không kích của Nga và Syria.
“Nếu lực lượng ôn hòa không trộn lẫn cùng Mặt trận al-Nusra, lực lượng Nga và phe trung thành với ông Assad sẽ tiêu diệt họ ngay lập tức” - chuyên gia phân tích Chris Harmer thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ) nhận định.
Theo tờ The Washington Post, chính quyền ông Obama đã gửi đến Nga đề xuất trên - một động thái phản ánh sự mong manh của thỏa thuận ngừng bắn đạt được hôm 27-2 cũng như sự yếu kém của lực lượng nổi dậy ôn hòa được Mỹ hậu thuẫn.
Phát biểu tại Lầu Năm Góc hôm 30-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter không đề cập trực tiếp về đề xuất mà chỉ nhắc lại lập trường rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga nếu họ giữ lời hứa chỉ tấn công IS.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ và chuyên gia không tin Moscow sẵn sàng cho một sự hợp tác như thế bởi 2 bên có quan điểm khác biệt về khủng bố ở Syria và tương lai chính trị của ông Assad. Kể từ khi can thiệp quân sự vào Syria hồi tháng 9-2015, Nga xem mọi nhóm chiến đấu chống chế độ Assad là “khủng bố”. Ngoài ra, lập trường của Washington là ông Assad phải ra đi trong khi Moscow nhấn mạnh số phận nhà lãnh đạo này do người dân Syria quyết định.
Không chỉ căng với Mỹ về tình hình Syria, Nga còn đối mặt nhiều sức ép ở châu Âu kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Mới nhất, truyền thông Canada hôm 30-6 đưa tin nước này sẽ triển khai 1.000 binh sĩ đến Latvia để tham gia vào 1 trong 4 tiểu đoàn mà NATO đang tập hợp ở Đông Âu.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada Harjit Sajjan cho biết những chi tiết về bước đi trên sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Ba Lan vào tuần tới. Theo kế hoạch dự kiến được chính thức thông qua tại hội nghị này, NATO sẽ triển khai tổng cộng 4.000 binh sĩ tại Ba Lan và 3 nước Baltic - Estonia, Latvia, Lithuania - để đối phó với “mối đe dọa” từ Nga. Quá trình triển khai nhiều khả năng sẽ hoàn tất vào năm tới.
Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ có những biện pháp tương xứng để đối phó “sự gây hấn” của NATO. Phát biểu trước các nhà ngoại giao Nga hôm 30-6, ông Putin khẳng định Moscow luôn sẵn sàng tự vệ trong một thế giới đang ngày càng bất ổn và khó đoán.
Bình luận (0)