Gần đây, cụ bà Beryl gọi đến trung tâm Silver Line (Anh) vui mừng kể về sinh nhật lần thứ 81 của mình với tổng đài viên. Nhưng khi được hỏi mừng sinh nhật cùng ai thì bà Beryl mới chịu trải lòng rằng mình chỉ sống thui thủi một mình.
Vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Cuộc trò chuyện trên cũng là lần đầu tiên bà Beryl nói chuyện với người khác sau hơn một tuần. Trường hợp cô đơn cần người chia sẻ như bà Beryl không phải hiếm hoi. Trung tâm Silver Line, nơi hỗ trợ người cao tuổi cô đơn, nhận được khoảng 10.000 cuộc gọi tương tự mỗi tuần. Bà Sophie Andrews, giám đốc điều hành Silver Line, không khỏi ngạc nhiên trước sự gia tăng đột biến của các cuộc gọi kể từ khi trung tâm bắt đầu hoạt động gần 3 năm trước.
Sự cô độc đang được xem là vấn đề sức khỏe công cộng nghiêm trọng cần được quan tâm giải quyết, không chỉ ở Anh mà còn nhiều nước khác. Ở Anh và Mỹ, trung bình cứ 3 người trên 65 tuổi thì có một người sống một mình. Riêng ở Mỹ, 50% người trên 85 tuổi đang sống cô độc. “Nhận thức về nỗi cô đơn trở nên phổ biến ở Anh. Cô đơn không còn là chuyện của riêng người nào nữa” - ông Paul Cann, Giám đốc điều hành Tổ chức Age UK Oxfordshire (Anh), nhận định với báo The New York Times.
Nỗi lo hiện nay tập trung vào tác động của cô đơn lên sức khỏe con người. Các nhà nghiên cứu phát hiện ngày càng nhiều bằng chứng gắn kết cô đơn với bệnh tật, sự suy giảm chức năng và nhận thức. Đáng lo hơn, người cô đơn còn có nguy cơ chết sớm hơn cả người béo phì. Chẳng hạn, một cuộc khảo sát 1.604 người trên 60 tuổi tại Mỹ trong năm 2012 cho thấy khoảng 43% người nói có cảm giác cô đơn. Kết quả phân tích sau đó nhận thấy nhiều người trong số họ bị giảm khả năng vận động, gặp khó trong sinh hoạt hằng ngày và có nguy cơ tử vong sớm hơn người khác.
Còn trong một công trình đăng trên tạp chí Cell hồi đầu năm nay, các nhà thần kinh học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã xác định được một vùng não bộ mà họ tin là gây ra cảm giác cô đơn. Vùng não bộ này trước đó được biết đến nhiều bởi mối liên hệ của nó với sự trầm cảm.
Khó tìm giải pháp phù hợp
Ông John T. Cacioppo, một giáo sư tâm lý tại Trường ĐH Chicago (Mỹ), đã nghiên cứu về nỗi cô đơn kể từ những năm 1990. Theo ông Cacioppo, người cô đơn còn cho thấy sự yếu đuối, không thể “tự đứng trên đôi chân mình”. Chuyên gia này cảnh báo không dễ tìm ra giải pháp phù hợp cho sự cô đơn. Một cuộc trò chuyện có thể giúp quên đi nỗi cô đơn tạm thời nhưng nó không thể làm giảm cảm xúc cô đơn về lâu dài. Trong khi đó, bà Andrews cho biết những người gọi điện đến trung tâm không khiến bà bận tâm nhất. Điều bà lo ngại chính là có những người quá chán nản với sự cô đơn để nỗi không buồn nhấc điện thoại tìm người tâm sự. Theo bà, đây là những trường hợp cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Tại Anh, tổ chức Age UK đang phụ trách một loạt chương trình nhằm giảm bớt sự cô đơn. Họ cũng bắt tay với lực lượng cứu hỏa trong việc nhận biết những biểu hiện của sự cô đơn, cô lập tại những ngôi nhà lính cứu hỏa đặt chân tới. Một tổ chức từ thiện khác, gọi là Open Age, tiến hành khoảng 400 hoạt động tại trung tâm thủ đô London mỗi tuần - như mở lớp máy tính và tập thể dục, câu lạc bộ đọc sách… - cho người cô đơn. Nhân viên tổ chức còn đến tận nhà họ để tìm cách đưa họ ra ngoài tham gia các hoạt động trên.
Không giao tiếp sẽ giết chúng ta
Đàn ông và phụ nữ khác nhau rõ rệt trong cách thức chống chọi nỗi cô đơn. Chẳng hạn như nữ giới thực hiện khoảng 70% cuộc gọi đến Silver Line. Giải thích về sự chênh lệch này, ông Mike Jenn, 70 tuổi, sống tại London, cho biết: “Nam giới nói họ có thể chăm sóc bản thân, không cần nói chuyện với bất cứ ai. Đó là điều hết sức sai lầm. Không giao tiếp có thể góp phần giết chết chúng ta”. Hiểu được mối đe dọa này, ông Jenn đã lập một trung tâm ở địa phương nhằm giúp nam giới lớn tuổi gặp gỡ trong những môi trường thoải mái, quen thuộc với họ hơn.
Bình luận (0)