Báo New York Times hôm 13-1 tiết lộ cuộc gọi bí mật nói trên. Theo đó, Trung tướng Michael T. Flynn – người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia cấp cao, đã điện đàm với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei I. Kislyak đúng 1 ngày trước khi Tổng thống Obama ký lệnh trừng phạt Moscow vì cáo buộc tấn công mạng bầu cử Mỹ.
Vi phạm luật pháp?
Cuộc gọi xoay quanh nội dung sắp xếp một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Trump khi vị tổng thống đắc cử nhậm chức, một người phát ngôn của ông Trump cho biết hôm 13-1.
Người phát ngôn của ông Trump nhấn mạnh rằng cuộc gọi bí mật này không hề vi phạm luật pháp.
Trung tướng Michael T. Flynn – người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia cấp cao. Ảnh: AP
Tuy nhiên, xét về hoàn cảnh, một động thái nhạy cảm như vậy không thể khiến người ta không suy nghĩ.
“Cuộc gọi tập trung vào việc hậu cần để sắp xếp một cuộc gọi với tổng thống Nga và tổng thống đắc cử Mỹ sau khi ông nhậm chức và hai bên chỉ trao đổi về các thông tin hậu cần” - Sean Spicer, người phát ngôn của ông Trump nói với báo giới tại một cuộc họp báo qua điện thoại hôm 13-1.
Vị phát ngôn viên nhấn mạnh thêm: “Tất cả chỉ có thể, ngay thẳng và đơn giản”.
Một số hãng truyền thông Mỹ hôm 12-1 đặt ra nghi vấn về cuộc gọi chỉ diễn ra giữa hai người như vậy. Nhà báo David Ignatius của tờ Washington Post cho rằng điều đó có thể vi phạm đạo luật Logan – đạo luật 218 năm tuổi vốn không cho phép công dân Mỹ đàm phán mà không có sự ủy quyền với chính phủ nước ngoài đang có tranh chấp với Washington.
Theo lời ông Spicer, Tướng Flynn ban đầu chỉ liên lạc với ông Kislyak thông qua tin nhắn vào ngày Giáng sinh để chúc vị đại sứ Nga có kỳ nghỉ vui vẻ và bày tỏ sự mong mỏi được hợp tác trong tương lai. Đại sứ Nga đã phản hồi với những lời chúc tương tự. Và tới ngày 28-12, nhà ngoại giao của Nga đã gởi một tin nhắn khác đề nghị nói chuyện điện thoại và cuộc nói chuyện đã diễn ra.
Cuộc gọi – vốn diễn ra một ngày trước khi Tổng thống Obama trừng phạt Nga vì cáo buộc tấn công mạng, trong đó có hành động trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga tại Mỹ, không đả động tới vấn đề trừng phạt, ông Spicer nói.
Tổng thống “không hợp pháp”
Trong khi đó một khảo sát của Gallup công bố hôm 13-1 cho thấy chỉ có 44% người Mỹ tán thành cách vận hành đội chuyển tiếp của ông Trump, so với 83% ủng hộ cuộc chuyển tiếp của ông Obama trước đó và con số này với khi ông George W. Bush sắp sửa nhậm chức là 61%.
Khảo sát này được công bố sau một cuộc thăm dò khác của đại học Quinnipiac trong tuần này cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump hiện là 37%.
Hạ nghị sĩ John Lewis – được mệnh danh là người hùng của phong trào quyền dân sự, hôm 13-1 đã nói rằng ông không coi ông Trump “là tổng thống hợp pháp”.
Bình luận (0)