Theo tạp chí New York hôm 13-3, hợp đồng trị giá 4 tỉ USD nói trên yêu cầu Công ty Kushner - nơi con rể của ông Trump làm giám đốc điều hành cho đến tháng 1 qua - nhận 400 triệu USD tiền mặt và tài sản thế chấp. Hãng tin Bloomberg nhận định các điều khoản của thoả thuận này tồn tại những “ưu đãi bất thường”.
Giải thích về đề nghị của nhà đầu tư Trung Quốc – Công ty Anbang Insurance Group, một phát ngôn viên của Công ty Kushner cam kết với Bloomberg rằng không xảy ra xung đột lợi ích ở đây vì ông Jared đã bán quyền sở hữu của mình cho các thành viên khác trong gia đình.
Luật sư Matthew Sanderson ở Washington đầu năm nay cảnh báo hợp đồng không có gì bất hợp pháp nhưng các thực thể nước ngoài đang tìm cách lợi dụng mối quan hệ kinh doanh với con rể ông Trump để gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ.
Mùa hè năm ngoái, Anbang Insurance Group cũng tham gia đấu thầu mua lại một công ty bảo hiểm Mỹ với số tiền 1,57 tỉ USD. Hồi tháng 1, báo The New York Times cho biết Công ty tài chính Morgan Stanley từ chối tư vấn cho nhà đầu tư này vì họ cung cấp thông tin mập mờ.
Đáng chú ý, vào tháng 9-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã “né” khách sạn Waldorf Astoria (thuộc sở hữu của Anbang Insurance Group) tại TP New York vì lo ngại chính phủ Trung Quốc theo dõi ông.
Cùng ngày 13-3, báo Independent (Anh) đưa tin hơn 50 tấn quần áo mang nhãn hiệu Ivanka Trump – con gái của Tổng thống Trump – vừa được nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc. Ít nhất 82 lô hàng được thông quan từ ngày 8-11-2016 (ngày bầu cử Mỹ) đến ngày 26-2. Ngoài ra, hơn 2 tấn áo thun nữ, 1.600 chiếc ví da bò và 23 tấn giày dép cũng được nhập khẩu vào Mỹ thời gian này.
Số hàng hoá được sản xuất tại Trung Quốc nói trên do 3 công ty Mỹ là G-Ill, Mondani Handbags và Marc Fisher Footwear đặt hàng. 3 công ty này có giấy phép sản xuất hàng hóa mang thương hiệu Ivanka Trump. Theo báo cáo của công ty, G-Ill đã bán được số hàng hóa trị giá 29,4 triệu USD vào năm 2015. Doanh số bán hàng trong 9 tháng đầu năm 2016 của công ty này cũng tăng lên 13,3 triệu USD.
Một bản phân tích hồi tháng 7 năm ngoái cho thấy nhãn hiệu thời trang của Ivanka tại cửa hàng Macy’s, TP New York, có sản phẩm sản xuất tại Mỹ nhưng một số sản phẩm khác được dán nhãn “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc). Trong 10 năm qua, hơn 1.200 lô hàng mang nhãn hiệu Ivanka đã đổ từ Trung Quốc và Hồng Kông vào Mỹ.
Trong bài diễn văn nhậm chức tại Điện Capitol ngày 20-1, ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ tuân theo hai quy tắc đơn giản: Mua của người Mỹ và thuê người Mỹ”. Không dừng lại ở đó, ông Trump còn rà soát các nhà sản xuất trong và ngoài nước sử dụng lao động nước ngoài.
Bình luận (0)