Những con người hiện đại được sinh ra trong một kỷ nguyên khí hậu gọi là thế Toàn Tân đã bước chân sang thế Nhân Sinh. Tuy nhiên, thay vì có sự xuất hiện của một lãnh đạo nào đó dẫn dắt con người tiến vào thời kỳ nguy hiểm và mới mẻ này, một nhóm những người chối bỏ khoa học và gây ô nhiễm đang khiến nhân loại lầm đường lạc lối vào một mối nguy tệ hại hơn bao giờ hết. Giờ đây, tất cả chúng ta đều trở thành người tị nạn khí hậu và phải tìm ra con đường dẫn đến nơi an toàn.
Thế Toàn Tân là một giai đoạn địa chất bắt đầu từ hơn 10.000 năm trước với những điều kiện khí hậu lý tưởng để hỗ trợ nền văn minh nhân loại. Trong khi đó, thế Nhân Sinh là một thời đại địa chất mới với những điều kiện môi trường mà loài người chưa từng trải qua trước đó. Một điều đáng quan ngại là nhiệt độ của trái đất ngày nay cao hơn so với thế Toàn Tân vì lượng khí CO2 mà con người thải ra khí quyển trong các hoạt động đốt than, dầu, gas hoặc những cánh rừng bị tàn phá bừa bãi.
Con người đang chịu đựng rồi chết dần chết mòn trong môi trường mới nhưng những điều tồi tệ hơn vẫn đang chờ đợi phía trước. Đơn cử, vào tháng 9-2017, bão Maria đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người sống tại Puerto Rico. Những cơn bão cường độ mạnh đang diễn ra ngày một thường xuyên và gây ngập lụt nhiều hơn vì sự gia tăng truyền nhiệt từ vùng nước ấm của các đại dương, độ ẩm cao hơn trong không khí ấm hơn và sự gia tăng mực nước biển. Tất cả yếu tố này đang trở nên cực đoan hơn vì tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Cuối tháng 7 qua, hơn 90 người thiệt mạng ở vùng ngoại ô thủ đô Athens - Hy Lạp vì một vụ cháy rừng kinh hoàng bùng phát do hạn hán và nhiệt độ cao. Những trận cháy rừng nghiêm trọng tương tự cũng hoành hành ở các khu vực khô nóng khác như bang California - Mỹ, Thụy Điển, Anh và Úc. Trong khi đó, nhiều kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ khắp thế giới trong mùa hè này.
Các nhà hoạt động môi trường tuần hành thúc giục các lãnh đạo thế giới hành động chống lại biến đổi khí hậu tại TP Marseille - Pháp hôm 8-9. Ảnh: REUTERS
Nhân loại đã quá liều lĩnh khi vội vàng vượt qua ranh giới của thế Toàn Tân mà không màng đến những dấu hiệu cảnh báo quá rõ ràng của thiên nhiên. Vào năm 1972, Hội nghị Stockholm được tổ chức để giải quyết những đe dọa ngày càng tăng liên quan đến môi trường.
Trước thềm hội nghị này, Viện Chính sách Club of Rome đã phát hành một ấn phẩm có tựa đề "The Limits to Growth" (tạm dịch: Giới hạn tăng trưởng), lần đầu tiên giới thiệu ý tưởng về quỹ đạo tăng trưởng "bền vững" và những rủi ro của việc khai thác môi trường quá mức.
20 năm sau, những dấu hiệu cảnh báo mới được đưa vào chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh trái đất tổ chức ở Rio de Janeiro - Brazil, nơi thông qua khái niệm "phát triển bền vững" và ký kết 3 hiệp ước môi trường lớn với mục đích ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu do con người gây ra, bảo vệ sự đa dạng sinh học và ngăn chặn tình trạng suy thoái đất cũng như sa mạc hóa.
Sau năm 1992, Mỹ - đất nước hùng mạnh nhất thế giới - lại công khai phớt lờ 3 hiệp ước mới. Thượng viện Mỹ phê chuẩn các hiệp ước về khí hậu và sa mạc hóa nhưng lại không hề làm gì để thực thi chúng. Thậm chí nước này còn từ chối thông qua Hiệp ước Bảo vệ đa dạng sinh học, một phần vì Đảng Cộng hòa khẳng định những chủ đất có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn với tài sản riêng mà không cần sự can thiệp của quốc tế.
Gần đây hơn, thế giới đã thông qua Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào tháng 9-2015 và sau đó là Hiệp định Khí hậu Paris vào tháng 12-2015. Thế nhưng, một lần nữa, chính phủ Mỹ lại ngó lơ SDG, thể hiện qua vị trí cuối cùng trong danh sách 20 nền kinh tế lớn (G20) về nỗ lực thực hiện chúng. Không những thế, Tổng thống Donald Trump còn công khai ý định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Khí hậu Paris vào thời điểm sớm nhất có thể, tức năm 2020, 4 năm sau khi hiệp định có hiệu lực.
Tồi tệ hơn, lượng CO2 mà con người thải ra khí quyển vẫn chưa phát tác ảnh hưởng làm ấm hoàn toàn vì tác động của nó đối với nhiệt độ của đại dương chưa diễn ra. Với nồng độ CO2 hiện tại trong khí quyển, nhiệt độ của trái đất sẽ tăng lên khoảng 0,5 độ C trong những thập kỷ tiếp theo.
Dĩ nhiên, hành tinh này sẽ còn ấm hơn nữa nếu nồng độ CO2 tiếp tục tăng cao vì hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của các ngành công nghiệp. Để đạt được mục tiêu ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm không quá 2 độ C của Hiệp định Khí hậu Paris, thế giới cần dứt khoát chuyển sang dùng năng lượng tái tạo thay cho than, dầu mỏ, khí đốt vào năm 2050, tái trồng rừng và phục hồi đất suy thoái.
Vấn đề là tại sao nhân loại vẫn tiếp tục mù quáng lao về phía thảm kịch đã được báo trước?
Nguyên nhân chính là các tổ chức chính trị và tập đoàn khổng lồ cố tình làm ngơ trước những đe dọa và thiệt hại đang gia tăng. Chính trị vốn được dùng để tranh giành và nắm giữ quyền lực chứ không phải để giải quyết vấn đề, kể cả những vấn đề môi trường liên quan đến chuyện sống chết.
Vì vậy, cái mà nhân loại cần là một kiểu chính trị mới, khởi đầu với một mục tiêu toàn cầu rõ ràng - bảo đảm an toàn môi trường cho người dân bằng cách thực hiện Hiệp định Khí hậu Paris, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm tình trạng ô nhiễm. Nền chính trị mới sẽ lắng nghe các chuyên gia khoa học và công nghệ chứ không phải những lãnh đạo doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân hoặc các chính trị gia quá yêu bản thân mình.
Bình luận (0)