Đây được xem là một trong những nỗ lực đầu tiên của ngành công nghiệp nhằm đối phó những tác động của sự gia tăng khí thải CO2. Các nhà nghiên cứu của SRI cảnh báo nếu không có biện pháp hạn chế khí thải, điều này có thể dẫn đến tình trạng "biến đổi khí hậu", như nhiệt độ tăng, băng tan chảy và nước biển dâng cao.
Thuật ngữ "toàn cầu ấm dần lên" chỉ bắt đầu xuất hiện trong các tạp chí chuyên ngành từ năm 1975. Mãi đến năm 1988, nhà khoa học nổi tiếng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) James Hansen mới nói với quốc hội rằng hiện tượng này đã bắt đầu. Gần 50 năm sau khi báo cáo của SRI xuất hiện, Mỹ mới chịu tham gia Hiệp định Khí hậu Paris nhưng rồi lại rút khỏi.
Cháy rừng ở California - Mỹ một phần do biến đổi khí hậu. Ảnh: REX/SHUTTERSTOCK
Báo cáo của SRI còn cảnh báo những thay đổi nhiệt độ đáng kể gần như chắc chắn xảy ra vào năm 2000. Dự báo này đã đúng. Bước vào thế kỷ XXI, nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên 369 ppm, khiến nhiệt độ tăng gần 0,5 độ C so với mức bình quân của thời kỳ tiền công nghiệp. Ngày nay, hầu như tất cả nhà khoa học khí hậu đều đồng ý rằng có rất ít cơ hội ngăn nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Từ đầu thế kỷ XXI đến giờ, cộng đồng khoa học và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới bắt đầu đạt được sự đồng thuận về mối đe dọa do sự gia tăng của khí thải CO2 gây ra. Giai đoạn này cũng bắt đầu chứng kiến nỗ lực cắt giảm khí thải.
Thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra không nhỏ. Năm 2017, Mỹ mất 306 tỉ USD do những thiên tai như bão lũ, cháy rừng, hạn hán…, cao hơn gần 100 tỉ USD so với năm 2005. Biến đổi khí hậu không gây ra những thảm họa này nhưng khiến chúng trở nên trầm trọng hơn.
Biến đổi khí hậu còn gây ra những tác động lâu dài hơn và không thể sửa chữa được. Băng tan ở Nam Cực đã đạt đến cột mốc mà nhiều người xem là không thể đảo ngược. Càng trì hoãn, tác động và chi phí giải quyết hậu quả do biến đổi khí hậu sẽ ngày càng lớn.
Bình luận (0)