Sự lan nhanh các cuộc chống đối dường như phản ánh nỗi oán giận bị dồn nén đối với các cường quốc phương Tây bất chấp lời khẩn khoản yêu cầu kiềm chế từ các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có tổng thống theo Hồi giáo Mohamed Morsi của Ai Cập, đất nước được coi là “xúi bẩy” cho các cuộc biểu tình rầm rộ 3 ngày trước sự kiện 11-9-2001.
Cơn giận dữ lan từ Bắc Phi đến Đông Á và trong một số trường hợp mang tính phá hoại đáng sợ. Ở thủ đô Tunis của Tunisia, một ngôi trường của Mỹ vốn nguyên vẹn suốt cuộc cách mạng 2 năm trước đây, nay đã bị cướp phá hoàn toàn, trong đó có 700 chiếc laptop. Không rõ bao nhiêu vụ xuống đường mang tính bạo lực tự phát, chỉ biết có những cuộc phản đối nhỏ, ôn hòa diễn ra ở các nước như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Afghanistan và Pakistan.
Đốt cờ Mỹ tại Karachi - Pakistan. Ảnh: AP
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng những người chống đối đã áp sát ngay bên ngoài các tòa đại sứ Mỹ ở thủ đô Tunisia và Sudan, xác nhận 65 đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ khắp thế giới đã phát đi những thông điệp khẩn cấp về sự đe dọa bạo lực.
Lầu Năm Góc đã lập tức gửi lính thủy đánh bộ đến bảo vệ các tòa đại sứ ở Yemen và Sudan. Làn sóng phản đối không chỉ làm gia tăng quan ngại ở phương Tây mà còn đặt ra những vấn đề mới về sự bất ổn chính trị ở Ai Cập, Tunisia và các nước Trung Đông khác.
Trong 20 phút điện đàm tối thứ tư vừa qua, Tổng thống Barack Obama cảnh báo ông Morsi rằng quan hệ hai bên sẽ bị hủy hoại nếu chính quyền Cairo không bảo vệ được các nhà ngoại giao Mỹ. Hai ngày sau đó, trong chuyến thăm Ý, ông Morsi gọi các cuộc tấn công vào các tòa đại sứ Mỹ là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Thế nhưng, các thủ lĩnh của nhóm Jihad Ai Cập, một tổ chức dân quân cũ, đã tổ chức một hội nghị ở thành phố Alexandria và tuyên bố lạnh lùng rằng bất cứ ai dính líu đến sự phỉ báng nhà tiên tri đều phải trả giá bằng mạng sống. Họ kêu gọi ông Morsi cắt đứt quan hệ với Mỹ.
Bộ phim mà Ngoại trưởng Hillary Clinton cho là “kinh tởm và đáng bị phê phán” do một người theo đạo Cơ đốc sống ở Los Angeles - Mỹ sản xuất hồi năm ngoái. Bộ phim Sự ngây thơ của người Hồi giáo có lời lẽ phỉ báng nhà tiên tri Muhammad xuất hiện trên YouTube vào tháng 7 nhưng chỉ thổi bùng cơn giận dữ trong tuần này sau khi các nhà hoạt động theo Hồi giáo ở Mỹ chuyển nó về Ai Cập. Điều lạ là những diễn viên trong phim nói họ không hề biết họ sẽ tạo nên một bộ phim chống Hồi giáo và gây xôn xao như vậy.
Một quan chức cao cấp thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo thừa nhận các vụ tấn công đã đẩy Tổng thống Ai Cập Morsi và Anh em Hồi giáo vào thế giằng co giữa áp lực từ Washington và những cử tri Hồi giáo trong nước. Điều đó đúng bởi trong những thứ tạo nên sức ép của Mỹ chắc hẳn có khoản viện trợ hơn 1,5 tỉ USD hằng năm dành cho Ai Cập.
Bình luận (0)