Theo một dự luật chi tiêu của Mỹ thông qua hôm 18-12, mỗi người trong số 37 con tin còn sống và người thân của 16 con tin đã qua đời, bị bắt ngày 4-11-1979, sẽ nhận được tiền bồi thường 4,4 triệu USD.
Bên cạnh đó, các nạn nhân của những cuộc tấn công khủng bố như vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi năm 1988 cũng nhận được tiền hỗ trợ tuy không rõ con số cụ thể.
Các con tin người Mỹ tại Iran bị cầm giữ suốt 444 ngày khiến quan hệ giữa Washington và Tehran sứt mẻ nghiêm trọng. Cựu con tin Rodney Sickmann nói với tờ The New York Times rằng họ bị tra tấn trong thời gian bị cầm giữ. Dù khiếu nại nhiều năm nhưng Tòa án tối cao và Quốc hội Mỹ không chấp nhận bồi thường.
Quyết định trả tiền cho con tin Mỹ diễn ra sau khi Iran và các cường quốc phương Tây (nhóm P5+1) đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran. Theo The New York Times, số tiền này có thể được lấy từ khoản tiền phạt 9 tỉ USD dành cho ngân hàng Paribas (Pháp) do vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran, Sudan và Cuba.
Khoảng 1 tỉ USD trong số đó sẽ được trích đưa vào quỹ hỗ trợ các nạn nhân bị khủng bố và 2,8 tỉ USD dành để giúp đỡ các nạn nhân và gia đình trong thảm kịch 11-9-2001.
Dự luật chi tiêu mới của Mỹ cho phép thanh toán lên đến 10.000 USD/ngày dành cho những người bị giam cầm, như trường hợp 37/53 con tin còn sống kể trên, trong vòng 1 năm. Vợ/chồng và con cái họ cũng nhận được khoản tiền hỗ trợ 600.000 USD.
Trước đó, ngày 4-11-1979, sinh viên Iran xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bắt 99 người làm con tin, bao gồm 66 công dân Mỹ. Họ yêu cầu Washington dẫn độ cựu lãnh đạo Shah Mohammed Reza Pahlavi về nước.
Đến ngày 17-11-1979, lãnh tụ Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini ra lệnh phóng thích con tin nữ và người Mỹ gốc Phi, để lại 53 con tin. Ngày 7-4-1980, Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter cắt đứt quan hệ với Iran. Một máy bay trực thăng và một máy bay vận tải Mỹ va chạm ngày 25-4-1980 giết chết 8 binh sĩ Mỹ trong một nỗ lực giải cứu con tin bất thành của Washington.
Ngày 11-7-1980, 1 con tin được thả do bệnh tật. Ngày 19-1-1981, Mỹ và Iran ký thỏa thuận trả tự do cho các con tin. Cuối cùng, ngày 20-1-1981, 52 con tin còn lại được thả và bay tới Đức.
Bình luận (0)