Tổ chức phi chính phủ Global Voices của Hà Lan có bài phỏng vấn giáo sư Kim Tae-Sik, học giả người Hàn Quốc hiện giảng dạy tại Trường ĐH Masaryk ở Cộng Hoà Czech, về thói quen sử dụng phương tiện truyền thông của người gốc Việt tại Cộng hoà Czech.
Cửa hàng tạp hóa của người Việt tại Prague. Ảnh: FILIP NOUBEL
Global Voices: Ông có thể nói về thói quen sử dụng truyền thông của thế hệ người Việt đầu tiên ở Cộng hoà Czech?
Ông Kim Tae-Sik: Thế hệ người di cư Việt Nam đầu tiên đến Czech chủ yếu phụ thuộc vào các đài truyền hình vệ tinh Việt Nam. Nếu ghé thăm các nhà hàng, cửa hiệu người Việt hoặc Trung tâm thương mại SAPA (nằm ở quận 4 của thủ đô Prague), mọi người sẽ có thể nghe thấy tiếng Việt phát ra từ truyền hình, máy tính bảng hoặc điện thoại di động. Nhiều gia đình ở đây đăng ký truyền hình vệ tinh Việt Nam, do các nhà cung cấp truyền hình lớn ở Czech lắp đặt.
Truyền hình vệ tinh Việt Nam hầu như chỉ dành cho thế hệ đầu tiên và những người mới đến Czech, chủ yếu là do rào cản ngôn ngữ và lối sống, bao gồm cả điều kiện làm việc trong các cửa hàng và quán ăn.
Global Voices: Đến thế hệ thứ 2 thì như thế nào, thưa ông?
Ông Kim Tae-Sik: Mặc dù thế hệ thứ 2 thường xem TV Việt Nam cùng với cha mẹ chủ yếu vào giờ ăn nhưng các phương tiện truyền thông của họ được cá nhân hóa khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật số riêng.
Trung tâm thương mại SAPA ở Prague chuyên bán thực phẩm Việt Nam và châu Á. Ảnh: KIM TAE-SIK
Một tiêu chí quan trọng để phân loại phương tiện truyền thông xã hội trong cộng đồng người Việt là ngôn ngữ. Thế hệ đầu tiên và những người mới di cư có xu hướng dựa vào các mạng xã hội có trụ sở tại Việt Nam hoặc trong cộng đồng, chẳng hạn như trang Sangu.eu. Trong khi đó, thế hệ thứ 2 thông thạo cả tiếng Czech và tiếng Việt đã hình thành các mạng xã hội "xuyên quốc gia", kết nối giữa Việt Nam, Czech và cộng đồng người Việt.
Thế hệ sau này quan tâm đến Internet nhiều hơn và có xu hướng sử dụng các mạng xã hội như Facebook. Trên nền tảng trực tuyến này, họ thành lập các hội nhóm để kết nối người gốc Việt, gìn giữ bản sắc quê hương như Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Czech, South East Asian Liaison…
Global Voices: Người Việt thường được mô tả như thế nào trên truyền thông Czech?
Ông Kim Tae-Sik: Tuy hình ảnh người Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên các cơ quan truyền thông ở Czech nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái nhìn rập khuôn. Ngày nay, người Việt tại Czech thường được các phương tiện truyền thông Czech mô tả là những người chăm chỉ làm lụng, gặt hái được thành công, nuôi dạy con có tính cầu tiến.
Một quán ăn Việt thời thượng ở Prague, có tên tiệm được kết hợp giữa từ Phở và polévka (có nghĩa là súp trong tiếng Czech). Ảnh: KIM TAE-SIK
Global Voices: Ông gọi cộng đồng người Việt là người đánh bóng không gian đô thị. Ông có thể giải thích về khái niệm này?
Ông Kim Tae-Sik: Ở các đô thị tại Czech, không có cộng đồng hay khu/nhóm dân tộc nào của người Việt được hình thành. Nhìn chung, đại đa số người Việt thường kinh doanh nhỏ, ổn định như cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, và gần như hoàn toàn độc lập.
Gần đây, các nhà hàng và quán cà phê Việt Nam hiện đại ngày càng nổi bật ở các trung tâm đô thị Czech và đại diện cho người Việt Nam di cư theo một cách hoàn toàn mới.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự bùng nổ du lịch của Czech gần đây, những người gốc Việt thế hệ sau này có mô hình kinh doanh dần phương Tây hóa, đô thị hóa và thời thượng hơn.
Bình luận (0)