Từ giữa những năm 1990, các công ty đa quốc gia đóng ở Mỹ bắt đầu tăng cường chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế nước ngoài. Thực tế, chỉ một nhúm nhỏ các thiên đường thuế - chủ yếu là Bermuda, Ireland, Luxembourg và Hà Lan - đã chiếm tới 63% tổng lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài của các công ty này, theo phó giáo sư kinh tế Gabriel Zucman tại ĐH California (Mỹ).
"Chén thánh" của Apple
Vào tháng 5-2013, Tiểu ban Điều tra Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo 142 trang về hoạt động tránh thuế của Apple. Tiểu ban nhận thấy công ty thu lời nhất thế giới này chuyển hàng tỉ USD cho 3 công ty con ở Ireland mà không chịu thuế thu nhập ở bất cứ đâu.
Theo luật pháp Ireland, một doanh nghiệp (DN) được quản lý và kiểm soát ở nước ngoài có thể thoát phần lớn thuế thu nhập trong nước. Bằng cách điều hành các công ty con ở Ireland từ trụ sở quốc tế tại California, Apple bảo đảm tránh được thuế thu nhập tại Ireland.
Trong khi đó, luật pháp Mỹ quy định các công ty con chỉ đóng thuế thu nhập tại Mỹ nếu thành lập ở đây. Chính phủ liên bang cho phép hoãn nộp thuế vô thời hạn đối với thu nhập của các DN nước ngoài - với điều kiện lợi nhuận đó ở nước ngoài.
Văn phòng Apple tại Cork - Ireland. Liên minh châu Âu đang cố buộc Ireland phải truy thu 14,5 tỉ euro thuế mà Apple chưa nộpẢnh: THE NEW YORK TIMES
"Apple đã tìm được "chén thánh" của việc né thuế. Họ đã tạo ra các thực thể ở nước ngoài vốn nắm giữ hàng chục tỉ USD mà không phải khai thuế ở bất kỳ đâu" - thượng nghị sĩ Carl Levin, Chủ tịch Tiểu ban Điều tra Thượng viện Mỹ, nói tại cuộc điều trần năm 2013.
Lúc bấy giờ, Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael Noonan trước tiên bảo vệ các chính sách của nước này: "Tôi không muốn là kẻ bị đổ oan vì vài hiểu nhầm trong cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ". Ireland từ lâu đã theo đuổi chính sách thuế thân thiện với DN nước ngoài, chủ yếu cho các DN công nghệ và dược phẩm vốn mang về nhiều công ăn việc làm cho người dân trong nước. Apple hiện có khoảng 6.000 nhân viên ở Ireland.
Tháng 10-2013, trước sức ép quốc tế ngày càng gia tăng, ông Noonan đã thông báo các DN thành lập công ty ở nước này không thể tiếp tục không chịu thuế của quốc gia nào. Lúc đó, Apple đã tích lũy 111 tỉ USD lợi nhuận nước ngoài và hàng tỉ USD lợi nhuận tiếp tục đổ về mỗi năm. Tuy nhiên, họ hầu như không phải nộp thuế thu nhập DN. Giới chức công ty táo khuyết muốn duy trì chiến lược này.
Thế nên, Apple tìm điểm đến thay thế cho "thiên đường" Ireland ngấp nghé đóng cửa, theo The New York Times. Cuối cùng, nhà sản xuất iPhone chọn dừng chân ở đảo Jersey trên quần đảo Channel, vốn kết nối chặt chẽ với hệ thống ngân hàng của Anh. Có luật riêng và hầu như không chịu chi phối pháp lý của Liên minh châu Âu, Jersey hội tụ đầy đủ tiêu chuẩn của một thiên đường thuế hấp dẫn khó cưỡng.
Ireland bịt lỗ hổng
Tuy nhiên, kế hoạch tận dụng Jersey của Apple đối mặt chướng ngại tiềm ẩn: Giữa năm 2014, một lần nữa, dưới áp lực của các chính phủ, giới chức Ireland thăm dò bịt lỗ hổng thuế được gọi là "Double Irish" (tạm dịch: Hai người Ireland) mà nhiều DN lớn đã tận dụng, như Facebook, Google… Lỗ hổng này cho phép các DN thu lợi nhuận qua một công ty con có tuyển dụng cư dân ở Ireland, rồi dẫn dắt lợi nhuận đó tới một công ty con khác có hòm thư ở Ireland nhưng trụ sở quản lý đặt tại những thiên đường thuế (nơi thuế suất DN thường ở mức 0%) như Bermuda, Grand Cayman…
Giới chức Ireland còn thăm dò lệnh cấm DN trong nước "dan díu" với các thiên đường thuế. Một số chiến dịch vận động nhằm kéo lùi thời gian áp dụng chính sách này dường như đã phát huy tác dụng. Các DN Ireland thành lập trước tháng 12-2017 được gia hạn thời gian chuyển tiếp tới cuối năm 2020.
Apple thậm chí không cần nhiều vậy. Tới cuối năm 2014, Jersey đã trở thành ngôi nhà thuế mới của 2 công ty con ở Ireland của hãng, gồm Apple Sales International và Apple Operations International. Tuy nhiên, công ty con thứ ba là Apple Operations Europe vẫn ở lại Ireland. Apple không nói lý do song các chuyên gia thuế không khó để "đọc vị" động thái này.
Trong khi sự chú ý của truyền thông dồn vào cuộc đàn áp lỗ hổng "Hai người Ireland", giới chức Ireland đưa ra biện pháp mới: mở rộng miễn giảm thuế cho những DN chuyển bản quyền sở hữu trí tuệ tới nước này. Nếu một DN Ireland chi 15 tỉ USD để mua bản quyền như vậy, thậm chí từ một công ty con, nó có thể được miễn thuế 1 tỉ USD/năm trong 15 năm.
Phía Apple từ chối nói về khía cạnh này. Tuy nhiên, giáo sư luật ĐH Villanova (Mỹ) Richard Harvey, người rà soát các tài liệu về Appleby của Hồ sơ Thiên đường, kết luận nhiều khả năng Apple đã chuyển bản quyền sở hữu trí tuệ tới Ireland để tận dụng chính sách luật hào phóng mới. Dựa trên hồ sơ chứng khoán của Apple, ông Harvey ước tính thương vụ chuyển nhượng này vào khoảng 200 tỉ USD. Điều đó có nghĩa bất cứ thu nhập nào của Apple ở Ireland hiện nay đều có thể được bù đắp một phần bởi khoản miễn thuế hơn 13 tỉ USD/năm trong vòng 15 năm.
Theo ông Reuven Avi-Yonah, Giám đốc Chương trình Thuế quốc tế tại ĐH Luật Michigan (Mỹ) - cũng là một nhân vật rà soát Hồ sơ Thiên đường, chuyện săn tìm thiên đường thuế của Apple chẳng có gì lạ lẫm. "Khi một thiên đường thuế đóng cửa, một thiên đường khác lại mở ra. Câu chuyện cứ thế tiếp diễn vô tận" - ông nhận định.
Săn tìm nơi ẩn náu thuế
Tài liệu rò rỉ từ Hồ sơ Thiên đường cho thấy giới chức Apple muốn giữ bí mật cuộc săn tìm thiên đường thuế mới. Theo hồ sơ "bom tấn" này, trong công cuộc xây dựng nơi ẩn náu thuế mới của Apple, Appleby - hãng luật đóng tại Bermuda - giữ vai trò chủ công trình. Kiến trúc sư chủ chốt là Baker McKenzie, hãng luật tiếng tăm ở Chicago - Mỹ. Baker McKenzie muốn sử dụng một văn phòng địa phương của Appleby để duy trì hoạt động dàn xếp thuế nước ngoài cho Apple. Người đứng đầu bộ phận DN của Appleby, ông Cameron Adderley, nhìn nhận vụ này là "cơ hội lớn để tỏa sáng toàn cầu cùng Baker McKenzie".
Liên quan tới cuộc săn tìm này, tháng 3-2014, văn phòng Baker McKenzie ở San Francisco - Mỹ đã gửi bộ câu hỏi 14 điểm tới các văn phòng Appleby. Tài liệu này có những câu hỏi quan trọng như: Liệu có thể "có được sự bảo đảm chính thức về miễn thuế"? Làm cách nào để một DN ở Ireland có thể "thực hiện các hoạt động quản trị mà không trở thành đối tượng chịu thuế"?…
Kỳ tới: Nam châm hút của cải
Bình luận (0)