Theo tin độc quyền của Reuters ngày 9-12, Trung Quốc trong năm nay bắt đầu nạo vét và bồi đắp đất ở đảo Bắc - cách đảo Phú Lâm, nơi Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự lớn trái phép, khoảng 12 km về phía Bắc.
Loạt ảnh vệ tinh hồi tháng 2 và 3 qua cho thấy các tàu nạo vét, xây dựng cầu cát dài 700 mét để nối liền đảo Bắc với đảo Trung.
Tuy nhiên, loạt ảnh chụp sau 2 trận bão dữ dội hồi tháng 10 cho thấy công trình này phần lớn đã bị phá hủy. Trung Quốc vẫn chưa công khai bình luận về hoạt động bồi đắp trái phép ở đảo Bắc.
Chiếc cầu (ảnh trên, chụp tháng 10-2016) bị hư hại trong ảnh chụp vào tháng 11 (dưới). Ảnh: Reuters
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc kiểm soát hơn 40 năm. Giới phân tích khẳng định quần đảo này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam gần đó.
Trước đó, vào tháng 8-2016, giới chuyên gia nhận định các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông có thể bị sóng to, gió mạnh và bão lớn đánh sập đặc biệt là khi Bắc Kinh hủy hoại các rạn san hô.
Theo một nghiên cứu 2014 công bố trên tạp chí Nature Communications, các rạn san hô hóa giải trung bình 97% năng lượng sóng, trong đó phần đỉnh hay cạnh hướng ra biển làm tiêu tan khoảng 86% năng lượng.
Chính vì vậy, việc Trung Quốc hủy hoại các rạn san hô để bồi lấp, xây đảo nhân tạo - như bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) - sẽ khiến các cấu trúc bên trên bị suy yếu và dễ "làm mồi" cho sóng lớn chứ chưa nói đến bão mạnh.
Bình luận (0)