xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc khó lường ở biển Đông

Xuân Mai

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio vừa đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc vì tham vọng bành trướng ở biển Đông và biển Hoa Đông

Trung Quốc hy vọng các quốc gia liên quan sẽ thảo luận với nước này nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở biển Đông thông qua đàm phán.

Lời nói chỏi hành động

Đó là tuyên bố được ông Ngô Hải Đào, phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), đưa ra tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ hôm 7-12. Ông Ngô cho biết Trung Quốc đánh giá cao hòa bình và sự ổn định ở biển Đông, đồng thời thường xuyên tiếp cận giải quyết vấn đề “mang tính xây dựng và có trách nhiệm”.

Ông Ngô khoe rằng nhờ những nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN, tình hình ở biển Đông đang diễn biến theo hướng tích cực cũng như trở lại con đường đối thoại và tham vấn. Tuy nhiên, trong động thái cho thấy sự bất nhất trong lời nói và hành động, ông Ngô một mặt nhấn mạnh sẽ tiếp tục bảo vệ luật hàng hải quốc tế nhưng mặt khác lại lên tiếng bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi tháng 7 qua.

Mỹ dĩ nhiên là một trong số nhiều nước không dễ bị sập bẫy của Trung Quốc. Bằng chứng là các cơ quan tình báo Lầu Năm Góc đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến quân sự tại Trung Quốc do lo ngại nguy cơ leo thang hoạt động quân sự ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo tờ Washington Times (Mỹ), nỗi lo này càng tăng khi Trung Quốc đang cập nhật học thuyết quân sự, trong đó có hướng dẫn về vấn đề triển khai quân đội nhanh chóng. “Chiến lược mới của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ phòng thủ sang tấn công” - một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn theo đuổi kế hoạch tinh giản cơ cấu quân đội với mục tiêu nâng cấp nó thành một lực lượng quân sự công nghệ cao, có khả năng tiến hành các hoạt động quân sự phối hợp chung, tương tự cách quân đội Mỹ hoạt động trong nhiều thập kỷ qua.

Tàu khu trục Mỹ tuần tra ở biển ĐôngẢnh: Reuters
Tàu khu trục Mỹ tuần tra ở biển ĐôngẢnh: Reuters

Mỹ - Nhật vào cuộc

Không chịu ngồi yên nhìn Bắc Kinh hiện thực hóa tham vọng bành trướng ở biển Đông và biển Hoa Đông, thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio hồi đầu tuần này đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Theo trang Diplomat, dự luật mang tên “Đạo luật trừng phạt tại biển Đông và biển Hoa Đông 2016” đề xuất trừng phạt các cá nhân, tổ chức của Trung Quốc bị cáo buộc tham gia những hoạt động phi pháp của Bắc Kinh tại hai vùng biển này.

“Những hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông là bất hợp pháp, đe dọa an ninh khu vực và hoạt động thương mại của Mỹ” - thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa thuộc bang Florida nhấn mạnh. “Lằn ranh đỏ” để thực thi các trừng phạt trong dự luật, theo ông Rubio, là khi Trung Quốc công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông hay tiếp tục xây đảo nhân tạo trái phép…

Nếu được thông qua, dự luật thể hiện sự thay đổi đầy tham vọng trong chính sách của Mỹ. Khi đó, tổng thống Mỹ sẽ phải thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân, tổ chức Trung Quốc hoạt động ở biển Đông, đồng thời trừng phạt các tổ chức tài chính của bên thứ ba cùng tham gia.

Ngoài trừng phạt, dự luật cũng đề xuất hạn chế viện trợ đối với các nước đứng về lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông và biển Hoa Đông.

Như vậy về cơ bản, Mỹ đã thay đổi lập trường của mình lâu nay - không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ. Đặc biệt, nếu có hiệu lực, dự luật nói trên có thể mang lại sức mạnh thực tế cho phán quyết của PCA, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết biển Đông.

Không chỉ Mỹ, Nhật Bản cũng tích cực chuẩn bị. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến đến Úc vào tháng 1-2017 để thảo luận những bước đi tiếp theo về tranh chấp ở biển Đông. Theo trang Financial Review, ông Abe cũng sẽ thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong chuyến công du tại các quốc gia châu Á vào giữa tháng 1-2017 gồm Úc, Indonesia, Philippines và Việt Nam trước cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ở Mỹ vào cuối tháng tới.

Bà Donna Weeks, giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH Musashino (Nhật Bản), cho rằng chuyến công du của ông Abe nhằm tìm cách thúc đẩy liên minh khu vực trong bối cảnh các cam kết của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương trở nên thiếu chắc chắn trước những thay đổi chính sách gây tranh cãi của ông Trump.

Việt Nam luôn tuân thủ UNCLOS

Ngày 7-12, tại trụ sở LHQ đã diễn ra phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ về đề mục số 73 trong chương trình nghị sự của đại hội đồng có chủ đề “Đại dương và Luật biển”. Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) là văn bản pháp lý quan trọng nhất quy định tất cả hoạt động liên quan đến đại dương và biển, đóng góp cho hòa bình - an ninh, bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên biển; là khuôn khổ toàn diện và hiệu quả để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Là một trong những quốc gia đầu tiên ký và phê chuẩn công ước, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của UNCLOS. Đề cập những diễn biến phức tạp tại biển Đông, Đại sứ Phương Nga nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

D.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo