Ông Macasaet và vợ, bà Evelyn, cũng là một bác sĩ gây mê, đã quyết định vẫn làm việc bình thường khi những bệnh nhân đầu tiên có dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện tại bệnh viện Bác sĩ Manila, một trong những bệnh viện lớn nhất ở thủ đô Philippines.
Không lâu sau đó, vợ chồng ông nhiễm virus. Chỉ trong vòng vài ngày, tình trạng của ông Macasaet trở nặng. Ông cũng nhận thức được những dấu hiệu nguy kịch khi thấy các bác sĩ đặt ống vào tĩnh mạch.
Những trăn trở cuối cùng của ông đều dành cho vợ, người cũng đang phải giành giật lấy sự sống, và người con trai mắc bệnh tự kỷ tên Raymond. "Raymond cần sự giúp đỡ về tài chính và tình cảm trong suốt cuộc đời. Tôi không còn khả năng làm điều này nữa" – ông Macasaet đau khổ nói.
Vợ chồng bác sĩ Grag Macasaet. Ảnh: Facebook
Vị bác sĩ qua đời lúc 4 giờ (giờ địa phương) ngày 22-3. Và ông không phải là người duy nhất. Tính đến chiều 26-3, Philippines có 707 ca dương tính Covid-10 và 45 người tử vong, bao gồm có 9 bác sĩ. Trong đó có 2 người cùng gặp một nữ bệnh nhân đã nói dối về lịch trình di chuyển.
Các nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại loại virus chết người đang lan rộng khắp Philippines đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Bệnh nhân cứ ồ ạt nhập viện trong khi khẩu trang, các thiết bị y tế và giường bệnh đều không đủ đáp ứng.
Bệnh viện Y tế Thành phố, nơi có khoảng 800 giường bệnh, thông báo họ có 18 bệnh nhân dương tính với Covid-19 vào ngày 23-3. Trong số đó, có 6 người phải dùng đến máy thở trong khi 5 người khác đang rơi vào tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, bệnh viện còn có 64 ca nghi nhiễm và 137 nhân viên bị cách ly. "Nếu chúng tôi không thể đưa các bệnh nhân mới tới những bệnh viện khác, hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi sẽ sụp đổ" – chủ tịch bệnh viện Eugenie Jose Ramos cho biết.
Trung tâm Y tế St Luke thông báo 2 bệnh viện lớn của họ ở thủ đô Manila không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân mắc Covid-19. "Cả hai bệnh viện đều đã quá tải. Việc nhận thêm bệnh nhân Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chăm sóc mà bệnh nhân cần lúc này" – trích thông báo của bệnh viện. Họ đang chữa trị cho 48 ca dương tính và kiểm soát 139 ca khác có khả năng nhiễm bệnh trong lúc gần 600 nhân viên bị cách ly.
Nhân viên y tế Philippines tái chế các loại túi nilon làm đồ bảo hộ. Ảnh: Rappler
Tình trạng quá tải cũng diễn ra tại Trung tâm Y tế Makati, một bệnh viện hàng đầu khác ở TP Manila. Thậm chí Trung tâm Tim Philippines còn phải yêu cầu bệnh nhân đến bệnh viện khác.
Nhiều bệnh viện phải đóng cửa khoa điều trị ngoại trú và ngừng tiếp nhận các ca không khẩn cấp. "Philippines chưa bao giờ sẵn sàng cho Covid-19" – bác sĩ Ronnie Baticulon viết trong một bài bình luận cho đài CNN.
Một nghiên cứu năm 2018 thống kê Philippines có 101.668 giường bệnh tại 1.223 bệnh viện. Chỉ cần 1% trong số 107 triệu người Philippines nhiễm Covid-19, các bệnh viện sẽ nhanh chóng quá tải. Ngoài ra, hầu hết các bệnh viện cũng không có đủ máy thở. Cụ thể, bệnh viện lớn nhất và hiện đại nhất Philippines chỉ có 22 máy.
Nghiêm trọng hơn, họ còn sắp hết đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Một bệnh viện nhỏ ở TP Los Banos phải tái chế túi nilon, túi rác và thùng nước để làm đồ bảo hộ.
"Chúng tôi đã đọc lời thề Hippocrates"
Các nhân viên y tế tuyến đầu đang phải gồng gánh nhiều trọng trách đối với cả gia đình và xã hội. Chỉ riêng tại thủ đô Manila, ít nhất 6 bác sĩ đang lâm vào tình trạng nguy kịch trong khi hơn 1.000 nhân viên y tế khác bị cách ly.
"Tôi đã khóc. Tôi không muốn chết. Các con cần tôi. Tôi vẫn còn một cuộc chiến phải tham gia" – bà Grace Caras-Torres, bác sĩ sản khoa tại bệnh viện St Luke, viết trên Facebook.
Dù vậy, hầu hết các nhân viên y tế tiếp tục chăm chỉ làm việc bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh. Ở tuổi 64, nữ y tá Alita Gonzales vẫn ngày ngày đến Bệnh viện Đa khoa Philippines dù biết rằng mình nằm trong số những người dễ mắc bệnh vì tuổi tác đã cao. "Nhưng chúng tôi đã đọc lời thề Hippocrates" – bà nói.
Bình luận (0)