Trung Quốc không chỉ đưa quan chức cấp thấp nhất tới sự kiện trực tuyến, mà còn không đưa ra cam kết tài chính mới nào, cũng không hứa sẽ biến bất kỳ loại vắc-xin thành công nào thành lợi ích chung như một số nước tham gia kêu gọi.
Sự tham dự của Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh được công bố vào phút cuối, vì các thông tin trước đó của EU cho thấy Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ phát biểu, theo một thông báo truyền thông của EU gửi đi 4 giờ trước sự kiện diễn ra.
Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh yêu cầu thế giới ngừng đổ lỗi cho Bắc Kinh và liệt kê những nỗ lực hiện nay của Trung Quốc như bán thiết bị bảo hộ và mặt nạ cho các nước cần.
Ông Trương Minh nói: "Trung Quốc là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mặc dù có những nhiệm vụ khó khăn trong việc đối phó với dịch bệnh trong nước. Trung Quốc đang làm hết sức mình để giúp đỡ những nước có nhu cầu.
Đại sứ Trung Quốc tại EU tham gia cuộc họp của EU vào ngày 4-5. Ảnh: Twitter
Ông Trương Minh nói thêm rằng Trung Quốc hỗ trợ các nước khác tiếp cận thương mại với các vật tư y tế, ông nói thêm rằng các công ty Trung Quốc đã cung cấp 24 tỉ khẩu trang, 120 triệu bộ quần áo bảo hộ và 24.000 máy thở trong hai tháng qua.
Đại sứ Trung Quốc nghĩ rằng hành động đổ lỗi và gây hoang mang chẳng ích lợi gì. Những lời phân trần này đưa ra trong bối cảnh nhiều nước gia tăng áp lực ngoại giao lên Trung Quốc, kêu gọi nước này hợp tác điều tra về nguồn gốc Covid-19, chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.
Đại sứ Trung Quốc tại EU nhắc lại việc Trung Quốc đã thực hiện một số cam kết tài chính, bao gồm một quỹ chính phủ đặc biệt Covid-19 trị giá 2 tỉ nhân dân tệ; 1 tỉ nhân dân tệ đầu tư vào nghiên cứu dịch bệnh; số tiền quyên góp trị giá 50 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ứng phó Covid-19.
Trong số 43 quốc gia tham gia, chỉ có Trung Quốc cử một đại sứ, trong khi các nước khác cử bộ trưởng, thủ tướng hoặc có sự tham gia của tổng thống, thậm chí là quốc vương như Quốc vương Jordan Abdullah II.
Một người được tiêm vắcxin thử nghiệm Covid-19 ngày 16-3 ở Seattle, Mỹ. Ảnh: AP
Một nhà ngoại giao EU lưu ý rằng đại sứ Trung Quốc không tập trung vào vắc-xin - vốn là chủ đề của sự kiện - mặc dù Bắc Kinh là một trong những quốc gia hàng đầu nghiên cứu về Covid-19. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối tuần qua cho biết nước này đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng cho ba loại vắc-xin ngừa Covid-19 của ba công ty: Công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics, Công nghệ sinh học Sinovac và Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán.
"Trung Quốc muốn thuyết phục EU rằng họ là đối tác tốt hơn Mỹ và sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, họ đã không hành động khi họ có cơ hội để làm như vậy", ông Antoine Bondaz, một chuyên gia về mối quan hệ EU-Trung Quốc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris (Pháp) nhận xét.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết, số tiền được cam kết trong hội nghị sẽ giúp tìm ra một loại vắc-xin, phương pháp điều trị mới và các xét nghiệm tốt hơn cho căn bệnh do virus corona gây ra.
Melinda Gates, Đồng Chủ tịch của Quỹ Bill và Melinda Gates, nói rằng: "Việc đánh bại virus sẽ mất nhiều thời gian hơn việc cung cấp vắc-xin cho người trả giá cao nhất. Nếu chỉ cung cấp vắc-xin cho những quốc gia giàu có, chúng ta sẽ mất nhiều hơn vì thế giới chỉ có thể chiến thắng đại dịch này khi mọi người ở khắp mọi nơi có thể được chủng ngừa".
Khoảng 100 nhóm nghiên cứu đang theo đuổi việc nghiên cứu tìm ra vắc-xin, với gần một chục kết quả đã bước vào giai đoạn đầu thử nghiệm ở người hoặc đã sẵn sàng để bắt đầu thử nghiệm. Nhưng cho đến nay, vẫn không có cách nào để dự đoán loại vắc-xin nào an toàn, hoặc thậm chí để chỉ rõ là "có triển vọng".
Hầu hết các quốc gia cho thấy sự đoàn kết với sự phát triển vắc-xin. Ngay cả Tây Ban Nha và Ý - những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất sau Mỹ - cam kết đóng góp lần lượt 125 triệu euro và 140 triệu euro. Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất EU, cam kết đóng góp lần lượt 525 triệu euro và 500 triệu euro.
Các nhà ngoại giao EU cho biết Nga và Mỹ, nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19 được xác nhận nhất thế giới, đã không tham gia. Về lý do, một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ từ chối giải thích. Quan chức này nói qua điện thoại: "Chúng tôi ủng hộ nỗ lực cam kết này của EU. Đó là một trong nhiều nỗ lực đang diễn ra và Mỹ luôn đi đầu".
Bình luận (0)