Không giống như Anh và nhiều quốc gia khác, Đức chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực truy vết người nhiễm đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19), kể cả khi số ca nhiễm tăng mạnh.Trong khi giới chức Anh đã ngừng nỗ lực trên vào ngày 12-3 vì cho rằng phương án này không còn thiết thực khi số ca nhiễm Covid-19 nhiều khả năng lên đến hàng triệu, Đức vẫn kiên trì bằng cách truy vết từng ca nhiễm mới, một phần vì họ có khả năng.
Đức có năng lực xét nghiệm để xác định phần lớn người nhiễm Covid-19, điều mà Anh không thể làm được. Điều này đồng nghĩa với việc trong khi London phải xây dựng một hệ thống truy vết Covid-19 gần như là lại từ đầu, Berlin có một nhiệm vụ dễ dàng hơn khi chỉ việc củng cố năng lực xét nghiệm.
Là một trong những quốc gia có luật bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt nhất thế giới, Đức không lệ thuộc chiến dịch truy dấu liên lạc vào các công cụ giám sát kỹ thuật số hiện đại như nhiều nước khác. Thay vào đó, họ phát triển một ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ điều mà giới chuyên gia y tế công mô tả là hướng tiếp cận thủ công thông thường, cố gắng truy dấu liên lạc càng sớm càng tốt.
Ảnh chụp tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở TP Hamm - Đức giữa tháng 5. Ảnh: REUTERS
Ở bất cứ nơi đâu có thể, những người hỗ trợ truy vết Covid-19 được rút ra từ hàng ngũ ngành y, kể cả sinh viên và những người đã về hưu. Họ nhận được sự hỗ trợ phần lớn từ lao động trong những lĩnh vực công khác, những người vốn đã quen với việc tiếp xúc người khác trong công việc hằng ngày của mình, chẳng hạn như lính cứu hỏa và giáo viên.
Ông Joachim Lazarek, 39 tuổi, một người hỗ trợ truy vết Covid-19 đến từ TP Würzburg, so sánh hướng tiếp cận này với "công việc thám tử", giải thích rằng: "Chúng tôi cố hiểu người bị nhiễm Covid-19 và hình dung toàn bộ cuộc sống của họ. Liệu họ có trò chuyện với ai qua hàng rào không? Liệu họ có đi khám không?...".
Mặc dù Anh và Đức có số người hỗ trợ truy dấu Covid-19 tương đương, từ 20.000 đến 25.000 người, cách thức tổ chức hoạt động của 2 nước là hoàn toàn khác nhau.
Trái ngược với Anh, Đức đang địa phương hóa chiến dịch truy dấu liên lạc, cho phép mỗi bang chịu trách nhiệm tuyển dụng riêng. "Không mơ hồ như ở Anh", hầu hết các bang ở Đức đều công bố thông tin chi tiết về số người hỗ trợ truy dấu Covid-19 mà họ đã tuyển dụng. Chẳng hạn như bang Bavaria cho biết họ đang có 2.000 người hỗ trợ truy dấu liên lạc và đang tuyển thêm 1.250 người khác.
Kể từ khi khởi phát tại TP Vũ Hán - Trung Quốc vào tháng 12-2019, Covid-19 hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Brazil, quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tại Nam Mỹ - nơi bị xem là "tâm dịch" mới của thế giới, hôm 23-5 ghi nhận thêm 965 ca tử vong, lên tổng số 22.013 ca.
Trong khi đó, số người nhiễm Covid-19 tại quốc gia này cũng đã tăng lên 347.398 ca, thêm 16.508 ca so với thời điểm 23-5, khi họ vượt qua Nga để trở thành điểm nóng Covid-19 thứ hai sau Mỹ, nơi ghi nhận hơn 1,6 triệu ca nhiễm và gần 100.000 ca tử vong.
Dải Gaza ghi nhận ca tử vong đầu tiên
Một người phụ nữ Palestine đã thiệt mạng vì Covid-19 tại Dải Gaza vào ngày 23-5, trở thành nạn nhân đầu tiên tử vong vì virus tại khu vực này. Theo tờ Times of Israel, nạn nhân là bà Fadila Muhammad Abu Raida, 77 tuổi, đến Gaza sau khi trở về từ Ai Cập vào ngày 19-5.
Mặc dù được cách ly và chăm sóc sức khỏe ngay khi trở về từ Ai Cập, người phụ nữ này không qua khỏi. Theo Bộ Y tế Gaza, nạn nhân cũng mắc nhiều vấn đề sức khỏe mạn tính khác.
Tính đến ngày 23-5, số ca nhiễm Covid-19 tại Gaza vẫn ở mốc 55 ca, sau khi tăng mạnh vào ngày 21-5, khi 35 ca nhiễm mới được xác nhận đến từ những người trở về từ Ai Cập.
Bình luận (0)