Sự gia tăng trở lại của số ca Covid-19 trên thế giới đang đe dọa đào sâu hơn nữa "hố" giàu nghèo trong nền kinh tế thế giới và gây hại cho tăng trưởng toàn cầu nếu các ổ dịch mới lây lan, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm hoặc chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hôm 19-4 cho biết số ca Covid-19 mới trên thế giới được ghi nhận trong tuần rồi là hơn 5,2 triệu, cao hơn bất kỳ tuần nào khác kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Góp phần vào tình trạng đáng lo này là sự tăng vọt của số ca Covid-19 tại nhiều nước, trong đó nổi bật là Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này vừa thiết lập kỷ lục buồn khi có số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát (314.835 ca, theo số liệu công bố hôm 22-4). Kỷ lục trước đó là 297.430 ca tại Mỹ hồi tháng 1-2021.
Bên trong một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP Ahmedabad - Ấn Độ hôm 21-4 Ảnh: REUTERS
Theo trang Bloomberg, thực trạng u ám nói trên đang phủ bóng lên nỗ lực hồi phục kinh tế toàn cầu, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Ngân hàng Thế giới vừa cảnh báo các nước này phải chuẩn bị cho khả năng sự phục hồi kinh tế của họ bị mất đà.
"Sự gia tăng của số ca Covid-19 là lời nhắc nhở cho kinh tế thế giới rằng dịch bệnh rõ ràng còn lâu mới kết thúc. Nhiều nền kinh tế thu nhập thấp tiếp tục đối mặt những thách thức nghiêm trọng liên quan đến Covid-19 và còn chặng đường dài để đi trước khi trở lại trạng thái bình thường" - bà Tuuli McCully, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng Scotiabank (Canada), nhận định.
Tình hình dịch bệnh cũng đe dọa đến dự báo về sự phục hồi hình chữ V của tăng trưởng toàn cầu. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) hiện kỳ vọng kinh tế thế giới tăng trưởng 6% trong năm nay, mức cao nhất trong 40 năm qua. Tuy nhiên, tổ chức này cũng biết rõ rằng đại dịch càng kéo dài càng khiến dự báo trên khó thành hiện thực.
IMF có nhắc đến một kịch bản bất lợi, theo đó nguồn cung vắc-xin bị đình trệ và các vấn đề về logistics cho phép các biến thể hiện nay của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan và những biến thể mới xuất hiện, từ đó cản trở mục tiêu liên quan đến miễn dịch cộng đồng tại các nước. Khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 có thể thấp hơn 1,5 điểm % so với kịch bản thông thường.
Một số chuyên gia nhận định tốc độ triển khai vắc-xin Covid-19 trong những tháng tới và khả năng chúng đối phó với các biến thể mới sẽ tác động mạnh đến đà phục hồi của kinh tế thế giới. Theo thống kê của Bloomberg, hơn 944 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm tại 170 nước. Số liều này đủ cho khoảng 6,2% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng tại các nước có thu nhập cao nhất diễn ra nhanh hơn 25 lần so với các nước có thu nhập thấp nhất.
Tướng Campuchia vận chuyển trái phép người Trung Quốc
Một tướng quân đội Campuchia đã bị bắt hôm 21-4 vì lợi dụng chức vụ để đưa trái phép 28 người Trung Quốc từ thủ đô Phnom Penh đến tỉnh Svay Rieng trong lúc Phnom Penh đang bị phong tỏa để chống dịch Covid-19. Người bị bắt là trung tướng Sum Pov, Phó trưởng Ban Nghiên cứu chiến lược quân sự của Quân đội Hoàng gia Campuchia. Theo báo Khmer Times, cả ông Sum Pov lẫn 28 người Trung Quốc đang bị thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát tỉnh Svay Rieng. Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia hôm 22-4 thông báo nước này ghi nhận 446 ca Covid-19 mới. Ngoài ra, con số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tăng thêm 3 người, lên 59.
Còn tại Lào, lệnh phong tỏa thủ đô Vientiane có hiệu lực từ ngày 22-4 đến ngày 5-5 trong bối cảnh số ca Covid-19 đang tăng. Bộ Y tế Lào cho biết tổng số ca Covid-19 tại nước này hôm 22-4 là 94 sau khi có thêm 6 ca mới được xác nhận. Cùng ngày, Thái Lan cho biết có 7 người tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ. Đây là số ca tử vong theo ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước này đầu năm ngoái.
Bình luận (0)