Tất cả đều nằm trong khuôn khổ của lệnh phong tỏa 21 ngày nghiêm ngặt chưa từng có để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19.
Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với hoạt động giao thương trải dài trên khắp thế giới. Dù vậy, đất nước 1,34 tỉ dân này dường như tránh được tác động nghiêm trọng của Covid-19.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh không có dấu hiệu của sự lây nhiễm trong cộng đồng nhưng nỗi lo về việc virus bùng phát diện rộng vẫn gia tăng. Giới chuyên gia cảnh báo Ấn Độ chưa xét nghiệm đủ để biết chính xác số ca nhiễm, đồng thời cảnh báo đây là nơi có hàng loạt vấn đề đặc thù có thể đẩy nhanh tốc độ lây lan của virus.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định không có dấu hiệu của sự lây nhiễm trong cộng đồng nhưng cảnh báo không được chủ quan. Ảnh: Reuters
Tính đến ngày 25-3, Ấn Độ chỉ ghi nhận 536 ca nhiễm và 0 ca tử vong. Để so sánh, Hàn Quốc – quốc gia có khoảng 52 triệu dân, ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng Ấn Độ đến thời điểm hiện tại chỉ xét nghiệm tổng cộng 15.000 trường hợp trong khi con số này ở Hàn Quốc là hơn 300.000 trường hợp.
Mặc dù giới chuyên gia hiện vẫn chưa biết rõ vì sao số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ tương đối thấp so với các nước khác, họ khẳng định nếu virus lây lan diện rộng tại quốc gia này, sẽ rất khó kiểm soát.
Ngày càng có nhiều chính phủ các nước kêu gọi người dân tự cách ly, rửa tay thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của virus. Dù vậy, ở một số khu vực của Ấn Độ, ngay cả những biện pháp cơ bản như vậy cũng rất khó thực hiện. Theo báo cáo được chính phủ Ấn Độ công bố hồi 2011, khoảng 29,4% cư dân thành thị tại quốc gia này sinh sống trong các khu ổ chuột mà trong đó, nhiều nhà không có phòng tắm hay hệ thống nước chảy.
Tại nhiều khu vực ở Ấn Độ, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng cũng là một vấn đề khó khăn. Ảnh: Reuters
Với mỗi quốc gia, lệnh phong tỏa đều gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng. Nhưng tại Ấn Độ, việc kêu gọi người dân ở nhà cũng đồng nghĩa với việc khiến hàng triệu việc làm gặp rủi ro. Theo các số liệu chính thức trong giai đoạn 2011-2012, thị trường lao động Ấn Độ có khoảng 400 triệu người, trong đó có 121 triệu lao động phổ thông và đây là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất vì lệnh phong tỏa.
"Trong vài ngày tới, có thể họ sẽ không đi làm được. Trong trường hợp đó, hãy đối xử với họ bằng sự đồng cảm và nhân văn, đừng trừ lương của họ. Hãy luôn nhớ rằng họ cũng cần tiền để chăm sóc gia đình, người bệnh" – Thủ tướng Modi kêu gọi.
Thống đốc Uttar Pradesh, ông Yogi Adityanath, cho biết mỗi người trong số 1,5 triệu lao động hưởng lương theo ngày ở bang của ông sẽ được cấp 13 USD để đối phó Covid-19.
Thống đốc Uttar Pradesh, ông Yogi Adityanath. Ảnh: Reuters
Dù vậy, ngay cả khi các giới chức địa phương đều có thể triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho lao động hưởng lương theo ngày, không phải ai cũng được hưởng lợi.
Chính phủ Ấn Độ ước tính 102 triệu người, trong đó có 75 triệu trẻ em, không có thẻ căn cước Aadhaar – vốn được dùng để tiếp cận phúc lợi và dịch vụ xã hội quan trọng như trợ cấp lương thực, điện và gas. Phần lớn họ là những người không có giấy tờ tùy thân và nhiều khả năng sẽ không được nhận trợ cấp của chính phủ.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng là một trong những thách thức lớn mà Ấn Độ phải đối mặt.
Theo bà Soumya Swaminathan, từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hệ thống chăm sóc y tế của Ấn Độ cực kỳ không đồng đều, nghĩa là có nơi được trang bị cực tốt nhưng cũng có nơi thiếu thốn trang thiết bị nghiêm trọng.
Đường phố New Delhi vắng người sau lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)