Các sân bay, thành phố ở Trung Quốc và thậm chí là cửa hàng của Công ty Apple đã thiếp lập nhiều điểm kiểm tra thân nhiệt để xác định những bệnh nhân tiềm tàng và ngăn chặn sự lây lan của virus.
Để làm được điều này, nhiều chính phủ và doanh nghiệp sử dụng súng đo thân nhiệt – thiết bị dựa vào cảm biến hồng ngoại để đo thân nhiệt của một người mà không cần chạm vào da của họ.
"Các thiết bị này bị nghi là không chính xác và không đáng tin cậy. Một số sản phẩm thậm chí chỉ để trưng bày" – chuyên gia y tế James Lawler của Trường ĐH Nebraska (Mỹ) khẳng định với báo The New York Times.
Theo giới chuyên gia, phần lớn những người sử dụng súng đo thân nhiệt để chúng quá gần hoặc quá xa đối tượng được đo, khiến nhiệt độ đo được quá nóng hoặc quá lạnh. Công ty cung cấp ứng dụng và thiết bị công nghiệp Grainger (Mỹ) cho biết khoảng cách chính xác phụ thuộc vào kích cỡ của đối tượng được đo.
Một hành khách được kiểm tra bằng súng đo thân nhiệt tại Hồng Kông. Ảnh: Reuters
Chưa kể, những môi trường như một con đường bẩn hay một chiếc xe nóng có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của thiết bị này. Thậm chí, trong điều kiện lý tưởng và được sử dụng chính xác, súng đo thân nhiệt cũng không thể phát hiện tất cả trường hợp có thể lây nhiễm Covid-19. Điều này có nghĩa là súng đo thân nhiệt có thể bỏ sót nhiều trường hợp nhiễm Covid-19.
Để đối phó rủi ro này, Mỹ đã triển khai chính sách cách ly 14 ngày bắt buộc đối với những người từng đến tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc, nơi bị xem là ổ dịch, trong vòng 2 tuần trước đó. Nhiều nghiên cứu khẳng định những người nhiễm Covid-19 có thể không biểu hiện triệu chứng trong 14 ngày và theo một nghiên cứu, quãng thời gian này có thể lên đến 24 ngày.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Covid-19 có thể lây từ những người bị nhiễm nhưng chưa biểu hiện triệu chứng hay không. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo khả năng này là "có thể xảy ra".
Bình luận (0)