Được "xả" một cách riêng tư là điều mà người phương Tây xem như đương nhiên nhưng với hầu hết hàng xóm của bà Devi, cùng khoảng 100 triệu người dân Ấn Độ, chuyện này chẳng dễ dàng gì.
Mỗi khi đi theo "tiếng gọi thiên nhiên", họ phải ra đồng, vào rừng hay lấp ló ở bờ sông và đối đầu từ những yếu tố tự nhiên thực sự (rắn, bọ cạp...) tới những người nông dân vung vẩy gậy.
Gánh nặng tâm lý trút lên vai phụ nữ và trẻ em gái. Để khỏi xấu hổ, họ chấp nhận nguy hiểm nhiều hơn khi đi "giải quyết" lúc mặt trời chưa lên hay màn đêm đã buông xuống. "Từ hồi tôi xây nhà vệ sinh, người ta cứ kéo đến tham quan, hầu hết là phụ nữ và bé gái" - bà Devi, 47 tuổi, kể lại. Bản thân bà đã thuyết phục hơn 200 người trong làng xây nhà vệ sinh riêng.
Bà Devi xây nhà vệ sinh để con gái thoát khỏi cảnh xấu hổ và bệnh tật mà nhiều phụ nữ trong làng phải chịu đựng Ảnh: BLOOMBERG BUSINESSWEEK
Theo hãng tin Bloomberg, Ngân hàng Thế giới ước tính Ấn Độ mất khoảng 6,4% GDP, tức 166 tỉ USD/năm, vì chứng nhiễm trùng ruột cùng nhiều hậu quả sức khỏe khác do thiếu vệ sinh. Những công nhân mắc bệnh mạn tính có năng suất lao động thấp hơn, qua đời sớm hơn, để dành được ít tiền hơn và con cháu họ vì thế mà ít cơ hội học đại học.
Nhà vệ sinh của bà Devi khởi nguồn từ phong trào vận động của 450.000 người tình nguyện trên khắp Ấn Độ. Nỗ lực của họ được hậu thuẫn từ cấp chính trị cao nhất.
Bốn năm trước, Thủ tướng Narendra Modi đã khởi động chiến dịch "Clean India" (tạm dịch: Làm sạch Ấn Độ), với kinh phí 20 tỉ USD nhằm xây dựng số lượng nhà vệ sinh lớn nhất lịch sử nhân loại - 110 triệu căn trước tháng 10-2019.
Thời hạn này cũng trùng với kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi (2-10-1869), nhà lãnh đạo phong trào giành độc lập của Ấn Độ, người từng nói: "Giữ vệ sinh còn quan trọng hơn độc lập về chính trị".
Bình luận (0)