Mới đây nhất, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Mobashar Jawed Akbar hôm 15-10 đệ đơn kiện phóng viên Priya Ramani, người phụ nữ đầu tiên lên mạng xã hội cáo buộc ông có hành vi tình dục sai trái khi còn làm việc chung với cô.
Theo luật pháp Ấn Độ, những ai không thể chứng thực các cáo buộc công khai của mình nhằm vào người khác có thể lãnh án tối đa 2 năm tù.
Ông Mobashar Jawed Akbar tại nhà ở New Delhi hôm 14-10 Ảnh: REUTERS
Cô Ramani hôm 8-10 lên mạng Twitter tố ông Akbar chính là người đàn ông đã quấy rối mình và được đề cập trong một bài viết đăng trên tạp chí Vogue India hồi năm 2017.
Kể từ đó, một loạt cáo buộc quấy rối tình dục nhằm vào ông đến từ ít nhất 13 phụ nữ, trong đó có nhiều phóng viên từng làm việc cho ông hoặc được ông phỏng vấn xin việc khi làm tổng biên tập một số tờ báo, tạp chí. Cô Ramani cho biết quan chức này sử dụng chiêu hăm dọa để "bịt miệng" những phụ nữ cáo buộc ông.
Trong trường hợp cô Ramani đối mặt cáo buộc hình sự, phong trào #MeToo có thể gặp trở ngại lớn đầu tiên ở Ấn Độ.
Trong tháng này, hàng chục phụ nữ bắt đầu công khai danh tính những người đàn ông bị cáo buộc quấy rối và tấn công tình dục tại nơi làm việc trong các ngành truyền thông, giải trí, thể thao, quan hệ công chúng, phi lợi nhuận… Đã có một số nam giới liên quan phải rời những vị trí quan trọng, còn một số doanh nghiệp thực thi các biện pháp mới nhằm giúp phụ nữ an toàn hơn.
Nhiều phụ nữ cho biết từng tìm cách trình báo về hành vi tình dục sai trái nhưng đều bị xem nhẹ hoặc phớt lờ bởi lãnh đạo doanh nghiệp, cảnh sát và tòa án.
Các nhà hoạt động giờ đây hy vọng phong trào #MeToo có thể thúc đẩy đạo luật chống lại hành vi quấy rối tình dục phụ nữ tại nơi làm việc (được ban hành hồi năm 2013). Mặt khác, một số người lập luận rằng các vụ kiện phỉ báng cũng mang lại cơ hội để phụ nữ chứng thực cáo buộc của họ tại tòa án. "Chúng ta không thể thua trận chiến này vì nếu thua, chúng ta có thể thua cả cuộc chiến" - cô Sandhya Menon, một trong những phóng viên dẫn đầu phong trào, nhấn mạnh.
Bình luận (0)