Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22-4 thông báo bước đi cứng rắn mới nhất trong nỗ lực bóp nghẹt nguồn thu từ dầu của Iran. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo một số nước, trong đó có cả đồng minh chủ chốt của Washington, sẽ đối mặt trừng phạt nếu tiếp tục mua dầu từ quốc gia Trung Đông này sau khi lệnh miễn trừ trừng phạt hết hạn vào ngày 2-5 tới.
Trước đó, vào tháng 11-2018, chính quyền Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran nhưng cho phép 8 khách hàng dầu của Tehran có thêm 6 tháng để chấm dứt hoàn toàn giao dịch. Trong số này, Ý, Hy Lạp và lãnh thổ Đài Loan đã ngưng mua dầu Iran. Giờ đây, 5 khách hàng còn lại - Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ - đối mặt nguy cơ bị trừng phạt nếu không chịu "nghe lời" Mỹ.
Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ý cho biết sẽ tiếp tục mua dầu của Iran sau khi bày tỏ thái độ không hài lòng trước sự can thiệp từ bên ngoài vào mối quan hệ giữa Ankara và các nước láng giềng. Trung Quốc - một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều dầu Iran nhất - cũng chỉ trích mạnh mẽ "những biện pháp trừng phạt đơn phương" của Mỹ trong lúc nhấn mạnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Tehran là công khai, minh bạch, hợp pháp.
Một cơ sở dầu của Iran tại cảng biển Asalouyeh. Ảnh: Reuters
Theo báo The Washington Post, bước đi trên là một phần của chiến dịch gây "sức ép tối đa" của Mỹ nhằm buộc Iran lựa chọn giữa việc thay đổi hành vi và chính sách đối ngoại hoặc đối mặt nguy cơ kinh tế suy sụp. Giới chức Mỹ tin rằng chính sách mới này sẽ tác động tiêu cực đến GDP của Iran thời gian tới giữa lúc có ước tính 40% nguồn thu của nước này đến từ dầu. Riêng ông Pompeo ước tính các biện pháp trừng phạt tái áp đặt lên Iran đã khiến nước này thiệt hại 10 tỉ USD cho đến giờ.
Không hề nao núng, Tehran lập tức gọi các biện pháp trừng phạt của Washington là "bất hợp pháp" và "vô giá trị". Hãng tin Tasnim dẫn lời một nguồn tin của Bộ Dầu mỏ Iran khẳng định nước này đã chuẩn bị cho kịch bản trên và nhận định Mỹ sẽ thất bại trong nỗ lực phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran.
Đi xa hơn, tướng Alireza Tangsiri, Tư lệnh Lực lượng Hải quân của Vệ binh Hồi giáo Cách mạng Iran, còn dọa đóng cửa eo biển Hormuz nếu nước này không được phép sử dụng nó. Theo Reuters, Iran lâu nay vẫn dọa làm gián đoạn các chuyến hàng chở dầu qua eo biển chiến lược Hormuz nếu Mỹ tìm cách ngăn chặn nước này xuất khẩu dầu hòng bóp nghẹt kinh tế.
Vẫn còn quá sớm để biết lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Iran sẽ tác động ra sao đến chính trị và an ninh ở Trung Đông. Những người ủng hộ cho rằng việc siết chặt trừng phạt là cách duy nhất để buộc Tehran thay đổi hành vi theo hướng giúp cải thiện hòa bình và ổn định cho khu vực và thế giới. Dù vậy, phe chỉ trích lo ngại động thái mới nhất của Mỹ có thể ép Iran khởi động lại chương trình hạt nhân, từ đó gia tăng nguy cơ đối đầu giữa hai bên.
Một nỗi lo khác là tác động đến giá dầu, xuất phát từ sự sụt giảm nguồn cung của Iran. Theo sau cảnh báo của ông Mike Pompeo, giá dầu thế giới hôm 23-4 đã tăng lên mức cao nhất từ đầu năm - dầu thô Brent có lúc đạt mức 74,58 USD/thùng. Trước khi bị Mỹ trừng phạt trở lại, theo dữ liệu của Công ty Refinitiv, Iran là nước sản xuất lớn thứ 4 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng khoảng 3 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, Tehran chỉ xuất khẩu được chưa đến 1 triệu thùng/ngày trong tháng này. Để trấn an thị trường, giới chức Mỹ cho biết đã có thỏa thuận với các nước khác để tăng sản lượng dầu, nếu cần, nhằm bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào từ nguồn cung, từ đó bảo đảm giá dầu ổn định.
Bình luận (0)